Ngày 13.3, giá xăng dầu lùi nhẹ, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giao tháng 5 giảm 29 cent xuống 81,92 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 4, kết thúc phiên cũng giảm 37 cent, về mức 77,56 USD/thùng.
Tuy vậy, các nhà phân tích vẫn cho rằng dầu có thể tăng giá trở lại bởi OPEC tiếp tục duy trì dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu trong năm nay tăng 2,25 triệu thùng/ngày và tăng thêm 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Các mức dự báo này không đổi so với dự báo được OPEC đưa ra trong tháng 2. Đà phục hồi kinh tế toàn cầu là điểm mấu chốt để nhóm này đưa ra dự báo tích cực nói trên.
Điều đáng lưu ý là các dự báo về nhu cầu sử dụng dầu thô của OPEC đang cao hơn so với dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, đà hồi phục của giá dầu thô đang bị kìm hãm sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ giữ đà tăng 0,4% so với tháng 1 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các con số trên đều cao hơn dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Lạm phát tại Mỹ giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến lãi suất khó giảm trước tháng 6 năm nay.
Trong nước, Viện Dầu khí Việt Nam vừa có dự báo giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh giá chiều mai (14.3) có thể giảm nhẹ, từ 93 - 141 đồng/lít, chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía nam giải thích, mức chênh lệch giá xăng dầu nhập khẩu và giá bán hiện tại trong nước tính đến thời điểm này không lớn.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu trong nước có thể có lần giảm thứ 5 trong năm. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 10 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng và 4 lần giảm.
Bình luận (0)