Ngày 13.5, giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 81 cent, tương đương 1,1%, xuống mức 74,17 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 83 cent, tương đương 1,2%, xuống mức 70,04 USD/thùng.
Như vậy, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm khoảng 1,5% so với tuần trước, và là tuần giảm thứ tư liên tiếp.
Theo Reuters, lo ngại quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ bước vào suy thoái đang ngày càng lớn khiến giá dầu "mất động lực" leo dốc. Ngày 12.5, Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bà Michelle Bowman, cho biết, Fed có thể sẽ tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao. Đồng USD mạnh lên cũng khiến giá dầu được định giá bằng loại tiền tệ này trở nên đắt hơn. Các nhà phân tích nhìn nhận chính sự thiếu tin tưởng vào nền kinh tế kéo theo nhiều hệ lụy, tâm lý giữ đồng USD để an toàn hơn, đồng thời khiến nhu cầu dầu trở nên bi quan hơn. Trong khi đó, dữ liệu giá tiêu dùng tháng 4 của Trung Quốc vừa cập nhật cho thấy tốc độ tăng chậm hơn so với tháng trước, làm gia tăng những nghi ngờ về khả năng phục hồi của nước này sau các hạn chế dịch Covid.
Tuy nhiên, giá dầu đang nhận được sự hỗ trợ từ chính sách "siết" nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong quyết định cắt giảm sản lượng. Nhóm này dự báo nhu cầu dầu thô từ tháng 7 - 12 của nhóm sẽ cao hơn 90.000 thùng/ngày so với dự kiến trước đó. Bên cạnh đó, một số thông tin cho thấy Mỹ đang có thể mua lại dầu để lấp đầy kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ mua dầu khi giá duy trì bền vững ở trong hoặc dưới mức 67 - 72 USD/thùng.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu ngày 13.5 theo bảng giá điều chỉnh ngày 11.5 vừa qua của liên Bộ Công thương - Tài chính. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 20.131 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.000 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 17.653 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.972 đồng/lít và dầu mazut không cao hơn 14.862 đồng/kg.
Bình luận (0)