Ngày 1.5, giá xăng dầu giữ đà giảm, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 6, hết hạn vào ngày hôm qua (30.4), giảm 54 cent, tương đương 0,6%, xuống 87,86 USD/thùng; kỳ hạn tháng 7 cũng giảm 87 cent xuống 86,33 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giảm 70 cent, tương đương 0,9%, xuống 81,93 USD/thùng.
Sản lượng tăng là yếu tố tác động đẩy giá dầu trượt dốc mấy phiên liên tục. Dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 13,15 triệu thùng/ngày trong tháng 2 từ mức 12,58 triệu thùng/ngày trong tháng 1. Đây là mức tăng hằng tháng lớn nhất kể từ tháng 10.2021. Trong khi đó, xuất khẩu dầu tháng 2 của nước này tăng lên 4,66 triệu thùng/ngày từ 4,05 triệu thùng/ngày trong tháng 1.
Ngoài ra, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng cho thấy tồn kho dầu thô tại Mỹ đã tăng 4,91 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán giảm khoảng 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích. Các nhà phân tích bổ sung, giá dầu giảm một phần bởi kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza khi cuộc đàm phán được khôi phục lại giữa các bên.
Tuy giá thế giới có các phiên giảm liên tục, song cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đến sáng nay (1.5) cho thấy, giá xăng lại có dấu hiệu nhích nhẹ, trong khi giá dầu giảm nhẹ so với giá bán trong nước. Một số thương nhân đầu mối, phân phối dự báo, tại kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày mai (2.5), giá xăng có thể tăng chưa tới 50 đồng/lít, giá dầu giảm hơn 100 đồng/lít.
Mức dự báo này chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi. Trong trường hợp cơ quan điều hành thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ. Từ tháng 10.2023, Quỹ bình ổn giá chưa được chi sử dụng lần nào trong khi báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 4 tháng đầu năm, giá xăng tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh.
Bình luận (0)