Ngày 1.6, giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ. Giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 1,11 USD xuống mức 72,6 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ giảm 1,37 USD, tương đương 2%, xuống mức 68,09 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm cả hai loại dầu chuẩn này đều giảm hơn 2 USD xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần. Ngay ở phiên trước đó, cả dầu Brent và WTI đều đã trượt dốc gần 5%.
Trong nước, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, chiều nay (1.6), liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu mới. Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công thương đến ngày 30.5 cho thấy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore về mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Cụ thể, xăng E5 RON92 về 86,66 USD/thùng, xăng RON95 là 92,01 USD/thùng, dầu diesel 88,95 USD/thùng, dầu hỏa 87,64 USD/thùng, dầu mazut 421,99 USD/thùng. Dữ liệu của các nhà nhập khẩu đến 31.5 tiếp tục giảm, xăng RON92 về 84,41 USD/thùng, xăng RON95 về 89,76 USD/thùng và dầu diesel 86,17 USD/thùng.
Tuy nhiên, do tuần trước giá thế giới tăng, nên nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước chiều nay sẽ được điều chỉnh tăng. Mức tăng đối với xăng được dự báo khoảng 500 - 800 đồng/lít, dầu tăng khoảng 200 đồng/lít. Trong trường hợp cơ quan quản lý thực hiện chi quỹ bình ổn giá, xăng dầu có thể tăng ít hơn, thậm chí giá dầu có thể đi ngang.
Như vậy, nếu dự báo trên chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước hôm nay sẽ có lần tăng thứ hai liên tiếp. Tại kỳ điều hành ngày 22.5, liên bộ đã quyết định thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu phổ biến ở mức 300 đồng/kg, đồng thời tiếp tục không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Trên thế giới, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 5 giảm nhanh hơn dự kiến do nhu cầu suy yếu, đẩy giá dầu lao dốc 2 phiên liên tiếp. Mức giảm trong 2 ngày gần đây lên đến 6%. Trong khi đó, đồng USD trở nên mạnh hơn do lạm phát ở châu Âu hạ nhiệt và tiến triển về dự luật tăng trần nợ của Mỹ.
Theo Reuters, việc làm tại Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 4 và tiếp tục tăng mạnh vào tháng 5 càng thúc đẩy nghi ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 6. Điều này đang "đè nặng" lên thị trường. Trong một diễn biến khác, các nhà phân tích của ngân hàng HSBC và Goldman Sachs đều cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể sẽ không thông báo cắt giảm thêm tại cuộc họp ngày 4.6 tới do nhu cầu tại các thị trường tăng từ mùa hè trở đi. Bởi nếu giảm sẽ gây thâm hụt nguồn cung rất lớn trong nửa cuối năm nay.
Bình luận (0)