Ngày 18.1, giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động, giá dầu Brent và WTI tăng giảm trái chiều. Thay vì tăng nhẹ ở phiên giao dịch trước, giá dầu Brent trong phiên này đã giảm 41 cent xuống 77,88 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng nhẹ 16 cent lên 72,56 USD/thùng.
Theo Reuters, đợt lạnh khắc nghiệt đã khiến một số hoạt động sản xuất dầu tại vùng Bắc Dakota, bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, buộc phải gián đoạn, khiến sản lượng dầu ở đây giảm 650.000 - 700.000 thùng/ngày. Sự cố này đẩy giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ trở lại sau khi mất hơn 1 USD trong phiên.
Tuy vậy, nhìn chung, giá dầu thế giới có xu hướng lùi nhẹ khi dữ liệu cho thấy, các nền kinh tế lớn thế giới chưa tăng trưởng như kỳ vọng. Kết thúc quý 4/2023, GDP của Trung Quốc tăng 5,2%, cao hơn so với mức 4,9% trong quý 3 nhưng thấp hơn so với dự báo tăng 5,3% của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters trước đó. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù phục hồi khó khăn, song nhu cầu dầu từ Trung Quốc vẫn ổn định và có thể sẽ đạt mức kỷ lục vào năm nay. Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc năm 2023 đã tăng 9,3% lên mức cao kỷ lục. Đặc biệt, lượng dầu thô của nước này mua vào trong tháng 1.2024 cao hơn so với tháng 2 tháng cuối năm ngoái.
Trong nước, chiều nay, thứ năm (18.1) đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Các dữ liệu và dự báo đến sáng nay cho thấy, giá xăng dầu trong nước có thể giữ đà tăng tiếp. Mức tăng cao nhất đối với mặt hàng xăng khoảng 550 đồng/lít, mức tăng thấp nhất đối với dầu khoảng 200 đồng/lít, chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh mức phí, nếu có.
Nếu đúng như dự đoán, xăng dầu trong nước có lần tăng giá thứ 2 trong năm 2024. Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã có 2 lần điều chỉnh, 1 lần giảm và 1 lần tăng.
Sáng 18.1, chiết khấu bán lẻ do các thương nhân phân phối thông báo đến doanh nghiệp bán lẻ đối với xăng từ 650 - 750 đồng/lít, dầu diesel 900 đồng/lít, lấy hàng tại kho khu vực phía bắc. So cùng thời điểm này tuần trước, mức chiết khấu tuần này giảm khoảng 100 đồng/lít.
Bình luận (0)