Ngày 1.8, giá xăng dầu bật tăng mạnh, giá dầu Brent giao tháng 9, hết hạn ngày hôm qua 31.7, tăng hơn 2 USD; hợp đồng giao tháng 10 tăng 2,77 USD lên 80,84 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI tăng 3,18 USD, tương đương 4,26%, lên 77,91 USD/thùng.
Như vậy, sau chuỗi ngày giảm, giá dầu bật tăng mạnh. Song tính hết tháng 7, dầu Brent chuẩn toàn cầu vẫn mất khoảng 7%, dầu WTI giảm gần 4%.
Theo Reuters, báo cáo từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho xăng dầu tại Mỹ giảm đồng loạt, dầu thô Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, cao gấp ba lần mức giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters trước đó.
Các nhà phân tích cho rằng, báo cáo trên đã tác động, góp phần đẩy giá dầu tăng. Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị tại khu vực Trung Đông đang là động lực chính của đợt tăng giá này. Căng thẳng ở khu vực sản xuất dầu mỏ gia tăng sau tin tức thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Iran. Tuy vậy, các phân tích cũng nhấn mạnh rủi ro địa chính trị gia tăng chỉ tác động tạm thời lên giá dầu. Về lâu dài, nếu cơ sở hạ tầng dầu khí không bị ảnh hưởng từ các cuộc tấn công này, đợt tăng giá khó có thể kéo dài.
Trong nước, Viện Dầu khí Việt Nam dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành chiều nay (1.8) có thể giảm nhẹ 0,2%; giá dầu giảm từ 0,1 - 0,8%. Mức giảm tương đối thấp, theo tính toán của một số thương nhân đầu mối, mức giảm giá xăng dầu chiều nay dao động từ 100 - 400 đồng/lít, chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu có lần giảm giá thứ 4 liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 30 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 12 kỳ tăng đồng loạt, 9 kỳ giảm giá, 9 kỳ giá xăng dầu tăng - giảm đan xen.
Bình luận (0)