Ngày 23.11, giá xăng dầu giữ đà tăng, giá dầu Brent tăng 94 cent, tương đương 1,3%, lên 75,17 USD/thùng; giá dầu WTI tăng 1,14 USD, tương đương 1,6%, lên 71,24 USD/thùng.
Như vậy, hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã tăng khoảng 6% trong tuần này, mức tăng cao nhất kể từ ngày 7.11.
Giá dầu tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine gia tăng, đẩy lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu trong tương lai gần. Lo ngại về nguồn cung trong xung đột về địa chính trị này cao hơn lo ngại xung đột tại dải Gaza kéo dài hơn một năm qua.
Một nhà phân tích trên Reuters nói, điều mà thị trường lo sợ nhất là sự phá hủy bất kỳ mỏ dầu, khí đốt và cơ sở lọc dầu nào tại Nga. Bởi việc này không chỉ gây thiệt hại lâu dài mà còn đẩy nhanh vòng xoáy xung đột.
Về nhu cầu, Trung Quốc sau thời gian dài giảm nhập khẩu, trước chính sách mới nhằm thúc đẩy thương mại, kỳ vọng lượng dầu nhập khẩu tại thị trường này sẽ tăng. Bên cạnh đó, lượng dầu nhập khẩu ở Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới - cũng tăng do mức tiêu thụ trong nước tăng.
Tuy nhiên, gây áp lực lên giá dầu trong phiên giao dịch cuối tuần còn liên quan thông tin hoạt động kinh doanh tại khu vực euro có chiều hướng xấu đi, ngành dịch vụ chủ chốt của khối này suy giảm, ngành sản xuất chìm sâu hơn vào suy thoái. Ngoài ra, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 năm so với các loại tiền tệ khác cũng hạn chế đà tăng của giá dầu.
Giá dầu thế giới tăng, đẩy giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường châu Á tăng theo. Cập nhật từ thị trường Singapore cho thấy, giá xăng dầu thế giới đang cao hơn giá trong nước trên dưới 500 đồng/lít. Nếu đà tăng này kéo dài, dự báo tuần sau, giá xăng dầu trong nước có thể tăng trở lại.
Bình luận (0)