Ngày 24.4, giá xăng dầu giữ đà tăng, giá dầu Brent tăng 1,42 USD, tương đương 1,6%, lên 88,42 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,46 USD, tương đương 1,8%, lên 83,36 USD/thùng.
Các phân tích cho rằng, sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi đồng bạc xanh giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần qua; trong khi hoạt động mở rộng kinh doanh tại khu vực đồng euro đang tăng nhanh nhất trong gần một năm qua. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư chuyển chú ý từ căng thẳng ở Trung Đông sang triển vọng các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đã hỗ trợ giá dầu.
Trên Reuters, chuyên gia Andrew Lipow - Chủ tịch của công ty tư vấn Lipow Oil Associates (Mỹ) - nhận xét thị trường đang chịu áp lực từ mức tăng trưởng thấp hoặc thậm chí không tăng ngoài khu vực đồng euro. Thế nên, bất cứ điều gì cho thấy có sự cải thiện đều mang tính hỗ trợ cho giá dầu. Hiện các nhà đầu tư đang tập trung vào các chỉ số kinh tế của Mỹ, Trung Quốc, EU và cân bằng cung cầu tổng thể.
Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi dữ liệu GDP quý đầu tiên của Mỹ được công bố vào cuối tuần này cũng như số liệu chi tiêu cá nhân trong tháng 3 để rõ hơn nhu cầu nhiên liệu trong thời gian tới. Báo cáo dự trữ xăng dầu của Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, tồn kho dầu trong tuần trước giảm 3,23 triệu thùng và tồn kho xăng cũng giảm khoảng 595.000 thùng, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 724.000 thùng.
Trong nước, dữ liệu cập nhật của các thương nhân đầu mối đến sáng nay (24.4) cho thấy, tại kỳ điều hành giá chiều mai (25.4), giá xăng có thể giảm nhẹ từ 300 - 400 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel giảm mức cao nhất đến 900 đồng lít. Dự báo này chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại thuế phí khác, nếu có thay đổi.
Trong diễn biến khác, chiết khấu bán lẻ xăng dầu theo thông báo từ thương nhân phân phối, có nơi vọt lên 2.000 đồng/lít, phổ biến ở mức 1.500 - 1.800 đồng/lít. Đây là mức chiết khấu khá cao trong bối cảnh giá bán lẻ xăng dầu được dự báo có đợt giảm giá mới.
Bình luận (0)