Ngày 2.5, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 1,02 USD, tương đương 1,3%, xuống mức 78,45 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,12 USD, tương đương 1,5%, xuống mức 75,66 USD/thùng.
Theo Reuters, hoạt động sản xuất tháng 4 tại Trung Quốc bất ngờ giảm khiến nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn. Ngày 1.5, dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đã giảm xuống 49,2 từ 51,9 điểm phần trăm vào tháng 3. Chỉ số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 51,4 mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters trước đó.
Trong thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý 1/2023 nhờ tiêu dùng dịch vụ tăng mạnh, nhưng sản lượng tại các nhà máy lại giảm trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu. Trên Reuters, các nhà phân tích cho rằng, thị trường dầu thô phụ thuộc rất nhiều vào những gì xảy ra với Trung Quốc và "hầu hết các dữ liệu từ lĩnh vực sản xuất đều gây thất vọng”. Trung Quốc vẫn sẽ là yếu tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay.
Tuy nhiên, đà giảm giá dầu có thể bị hạn chế bởi tháng 5 là thời điểm một số quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) giảm sản lượng tự nguyện thêm 1,16 triệu thùng mỗi ngày.
Trong nước, chiết khấu bán lẻ xăng dầu sáng 2.5 được Petro Times thông báo vẫn ở mức cao. Dầu diesel lấy tại một số kho khu vực phía bắc là 2.150 đồng/lít, xăng 2.000 đồng/lít. Ngày 4.5 là kỳ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, dự báo các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm theo giá thế giới.
Ngày 2.5, giá bán lẻ trong nước được áp dụng theo giá tại kỳ điều chỉnh ngày 21.4. Theo đó, xăng E5 RON92 không quá 22.680 đồng/lít, xăng RON95 không quá 23.630 đồng/lít, dầu diesel không quá 19.390 đồng/lít, dầu hỏa không quá 19.480 đồng/lít.
Bình luận (0)