Ngày 25.3, đóng phiên giao dịch cuối tuần, dầu Brent giao tháng 5 giảm 92 cent, tương đương 1,2%, xuống mức 74,99 USD/thùng; dầu WTI của Mỹ giảm 70 cent, tương đương 1%, xuống mức 69,26 USD/thùng.
Như vậy, trong tuần qua, thị trường ghi nhận giá dầu có 3 phiên tăng, 2 phiên giảm. Tính hết tuần, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu vẫn tăng khoảng 2,9%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 4%.
Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều có mức giảm lớn nhất trong nhiều tháng.
Giá dầu thế giới đóng phiên cuối tuần với kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tăng khi thông tin về kho dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh, nhu cầu nhập khẩu dầu thô tại quốc gia đông dân nhất thế giới tăng... Năm ngoái, Mỹ cho biết sẽ mua bổ sung vào kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia khi giá dầu về khoảng 67 - 72 USD/thùng hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ mới đây, việc tận dụng giá thấp để mua bổ sung cho kho dự trữ trong năm nay tương đối khó. Bởi hiện kho dự trữ vốn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983 sau đợt giải phóng dầu mạnh tay trong năm 2022 của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, thông tin cho thấy Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ mức sản lượng 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng 2. Điều đó có nghĩa là Nga đặt mục tiêu sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 6. Mức cắt giảm sản lượng này nhỏ hơn nhiều so với con số Nga đã tuyên bố trước đây, đẩy nguồn cung thị trường tăng.
Trong nước, theo phản ánh của các doanh nghiệp xăng dầu, chiết khấu bán lẻ tại thị trường phía bắc đang thấp hơn phía nam. Sáng 25.3, thương nhân đầu mối khu vực phía bắc thông báo mức chiết khấu cho các mặt hàng xăng dầu từ 700 - 800 đồng/lít và lưu ý "cửa hàng cần xác nhận lượng trước khi đặt hàng". Khu vực phía nam, dầu khí Thắng Lợi thông báo chiết khấu xăng lấy hàng tại kho Nhà Bè 1.000 đồng/lít, dầu diesel 1.250 đồng/lít.
Cập nhật giá từ thị trường Singapore cho thấy, xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đang giảm nhẹ so với giá trong nước.
Bình luận (0)