Ngày 27.8, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đóng phiên cuối tuần ở mức 84,85 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ đã leo lên 80,05 USD/thùng. Cả 2 loại dầu tăng trên dưới 1 USD/thùng trong phiên cuối tuần, song tính hết tuần, dầu Brent tăng gần 2% và WTI tăng khoảng 1%.
Đà giảm giá dầu bước sang tuần thứ 2 do thị trường thấy tín hiệu phục hồi kinh tế của Trung Quốc không thể xảy ra như kỳ vọng. Trong tháng 7, nhập khẩu dầu thô của nước này từ Nga giảm 26%; từ Ả Rập Xê Út giảm 31% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích dự đoán nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm nhẹ trong quý 3 năm nay.
Nhằm hạn chế đà giảm của giá dầu, một số nguồn tin cho hay Ả Rập Xê Út có thể sẽ kéo dài chính sách cắt giảm dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày sang tháng 10 và cũng là tháng giảm thứ ba liên tiếp của ông lớn dầu mỏ này.
Tuy giá dầu đã có tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp, song theo các nhà phân tích có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung có thể tăng từ một số nhà sản xuất khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Thị trường vẫn giảm hàng tồn kho sẽ hỗ trợ giá dầu tăng trở lại trong thời gian tới.
Trong nước, ngày 27.8, giá xăng dầu trong nước được niêm yết phổ biến như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 23.339 đồng/lít; xăng RON 95-III không cao hơn 24.601 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 22.354 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 22.309 đồng/lít và dầu mazut không cao hơn 17.981 đồng/kg.
Ngày 25.8 vừa qua, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - cung ứng 35% nhu cầu thị trường trong nước - đã chính thức tạm ngưng toàn bộ để bảo dưỡng định kỳ trong 55 ngày. Petrolimex cho biết nguồn hàng thay thế sẽ được nhập khẩu từ các nước ASEAN và khu vực lân cận với giá cả cạnh tranh và tối ưu nhất chi phí. Báo cáo tồn kho của các "ông lớn" trong ngành xăng dầu cho thấy, tính hết quý 2 so với quý 1, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex tăng 5,2%; PVOil tăng 14%; dầu khí Nam Sông Hậu tăng 9%...
Bình luận (0)