Ngày 29.3, giá xăng dầu đồng loạt tăng, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 5 tăng 1,39 USD, tương đương 1,6%, lên 87,48 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 10.2023 đến nay. Hợp đồng tháng 5 hết hạn vào ngày 29.3 cũng tăng gần 2%, lên 87 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 tăng 1,82 USD, tương đương 2,2%, lên 83,17 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu giữ đà tăng liên tiếp trong nhiều phiên trong tuần. Theo các nhà phân tích, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng Nga đã thúc đẩy tâm lý về nguồn cung dầu thô đang thắt chặt. Rủi ro địa chính trị gia tăng cũng làm tăng khả năng gián đoạn nguồn cung khiến giá dầu đi lên.
Tuy vậy, các phân tích vẫn cho rằng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) khó có thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào về chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng đầy đủ vào tháng 6 tới.
Trong diễn biến khác, dữ liệu mới được cập nhật từ Cục phân tích kinh tế - Bộ Thương mại Mỹ - chỉ ra rằng trong quý 4/2023, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn ước tính. Cụ thể, GDP tăng 3,4%, thay vì 3,2% trong báo cáo trước đó. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh cùng dữ liệu lạm phát trước đó càng củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu.
Trong nước, chiều hôm qua (28.3), liên Bộ Công thương - Tài chính công bố giá bán lẻ xăng dầu mới. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng 410 - 530 đồng/lít, giá dầu lại giảm từ 320 - 390 đồng/lít, riêng dầu mazut tăng gần 50 đồng.
Sau điều chỉnh, sáng 29.3, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: giá xăng E5 RON92 không cao hơn 23.625 đồng/lít, xăng RON95 24.816 đồng/lít, dầu diesel không cao hơn 20.693 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 20.879 đồng/lít và dầu mazut 17.145 đồng/kg.
Bình luận (0)