Trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 22.5 của liên Bộ Tài chính - Công thương. Cụ thể, giá xăng RON95 là 21.490 đồng/lít, xăng E5 RON92 20.480 đồng/lít, dầu diesel ở mức 17.950 đồng/lít, dầu hỏa 17.960 đồng/lít...
Dữ liệu về giá nhập khẩu xăng dầu đến ngày 26.5 cho thấy tăng so với bảng giá chốt ở kỳ điều chỉnh trước (ngày 22.5). Mức chênh lệch đối với mặt hàng xăng ước tính đến kỳ điều chỉnh tới (1.6) trong khoảng 500 đồng/lít, dầu diesel gần như đi ngang. Tuy nhiên, mức tăng còn tùy thuộc giá thị trường trong 2 ngày tới; tùy thuộc vào trích/chi quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh các loại phí, nếu có.
Trên thế giới, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để tạm hoãn trần nợ 31.400 tỉ USD đã chấm dứt "bế tắt" kéo dài trong thời gian qua. Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ đã gọi thỏa thuận này là "một bước tiến quan trọng”. Thỏa thuận sẽ nâng giới hạn nợ trong 2 năm, đồng thời hạn chế chi tiêu trong khoảng thời gian này, thu hồi các quỹ dành cho Covid-19 chưa được sử dụng, tăng việc làm bằng việc đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, và bổ sung các chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo ở Mỹ.
Giá xăng dầu hôm nay được dự báo giữ đà tăng, tuy nhiên, mức tăng không cao do thị trường đang "ngóng" thông tin về sản lượng tại cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sắp tới, dự tính ngày 4.6. OPEC+ dự kiến sẽ thảo luận và công bố kế hoạch sản xuất cho nửa cuối năm nay trong bối cảnh có nhiều lo ngại nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.
Trong một diễn biến khác, phát ngôn từ các nhà lãnh đạo cao cấp thành viên trong nhóm OPEC+ gần đây có dấu hiệu trái chiều về quan điểm tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng khiến thị trường càng khó đoán. Ả Rập Xê Út, quốc gia dẫn đầu về sản lượng dầu trong OPEC+ đã bày tỏ sự "tức giận" với Nga vì cho rằng Nga đã không tuân thủ đầy đủ cam kết giảm sản lượng dầu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trang Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho biết, Ả Rập Xê Út đã phàn nàn điều này với Nga và yêu cầu tôn trọng thỏa thuận giảm sản xuất dầu.
Bình luận (0)