Ngày 3.2, cả hai loại dầu thô đồng loạt giảm nhẹ. Dầu WTI của Mỹ mất 0,6%, về 87,7 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu mất hơn 0,4% về 89 USD/thùng. Trước đó, ngày 2.2, thông tin từ Reuters, quyết định giữ mức tăng sản lượng của OPEC+ nhằm đạt một số mục tiêu: nhu cầu tiêu thụ tăng, kiểm soát giá cả leo thang... Nhóm OPEC+ bao gồm 13 thành viên, hiện chiếm hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Dầu giảm nhẹ sau quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng của nhóm OPEC+ |
REUTERS |
Thực tế, thông báo của nhóm không gây ngạc nhiên khi trước đó, nhiều dự đoán đều cho rằng tổ chức này sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng theo đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi giá dầu trong tháng 12 sụt giảm vì biến thể Omicron, chuyên gia hàng hóa tại Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng, thông báo trên hầu như không gây ngạc nhiên vì OPEC+ đã tuân thủ nghiêm ngặt chính sách sản lượng dầu này kể từ khi được thống nhất lần đầu tiên. Điều quan trọng trong tương lai là liệu OPEC+ có thể thực hiện được mức tăng sản lượng theo kế hoạch của mình hay không. Còn bà Victoria Scholar, một chuyên gia tại công ty cung cấp dịch vụ đầu tư trực tuyến Interactive Investor (Anh), nhận xét giá dầu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ổn định và sự gia tăng sản lượng "một cách nhỏ giọt" của OPEC+.
Theo Bloomberg, trong tháng 12.2021, khảo sát thị trường cho thấy, tổng sản lượng dầu của OPEC+ chỉ tăng 90.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 400.000 thùng/ngày.
Trong nước, ngày 3.2, giá bán lẻ xăng dầu cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.595 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.360 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.903 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.793 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.993 đồng/kg.
Bình luận (0)