Ngày 31.5, giá xăng dầu giảm sâu. Dầu thô Brent giảm 3,53 USD, tương đương 4,6%, xuống 73,54 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ lùi 3,21, tương đương 4,4%, xuống 69,46 USD.
Sự lao dốc bất ngờ của giá dầu là do nhà đầu tư gia tăng lo ngại về việc liệu Quốc hội Mỹ có thông qua thỏa thuận trần nợ của Mỹ hay không; các thông điệp trái chiều từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới về triển vọng nguồn cung trước thềm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vào cuối tuần này 4.6.
Theo Reuters, một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa (Mỹ) cho biết họ có thể phản đối thỏa thuận nâng trần nợ ở Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn lạc quan thỏa thuận này sẽ được thông qua. Cũng trên Reuters, nhà phân tích tại Price Futures Group, ông Phil Flynn nhận định, cho đến khi thỏa thuận về trần nợ công ở Mỹ được thông qua, thị trường vẫn tiếp tục đáng lo ngại và "vấn đề mà thị trường không muốn thảo luận tới lúc này là những mâu thuẫn xoay quanh trần nợ". Thời hạn nợ gần trùng với cuộc họp ngày 4.6 của OPEC+. Các nhà phân tích cho rằng, thị trường sẽ biến động cho đến... cuối tuần.
Trong khi đó, cập nhật hết ngày 30.5, giá xăng dầu thành phẩm của tham chiếu từ thị trường Singapore giảm mạnh so ngày trước, có loại về mức thấp nhất trong 10 ngày qua. Theo đó, xăng RON95 về 92 USD/thùng, xăng E5 RON92 về 86,68 USD/thùng, dầu diesel (0,05%) về 88,97 USD/thùng. Tuy vậy, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía nam cho hay, theo diễn biến giá thế giới 10 ngày qua, trong kỳ điều hành ngày mai 1.6, các mặt hàng xăng dầu đều có nguy cơ tăng tiếp. Mức tăng có thể trên mức 500 đồng/lít, chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh các loại phí, nếu có.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ tăng lần thứ hai liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá các nhiên liệu đã trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó có 8 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Bình luận (0)