Kết thúc phiên khuya ngày 4.2, dầu WTI đã cộng thêm 0,6%, lên 56,02 USD/thùng; dầu Brent tiến 0,7% lên 58,9 USD/thùng và hợp đồng này trước đó đã có lúc chạm 59,04 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 21.2.2020. Sáng 5.2, cả hai hợp đồng dầu thô vẫn duy trì xu hướng đi lên. Dầu thô ngọt nhẹ WTI vọt lên 56,6 USD/thùng, dầu Brent lên 59,1 USD/thùng.
Thị trường dầu khởi sắc nhờ kinh tế Mỹ có những dấu hiệu lạc quan. Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm mạnh. Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã thực hiện những bước đầu nhằm thúc đẩy kế hoạch viện trợ kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD.
Trên MarketWatch, một số nhà phân tích nhận định, vấn đề của ngành dầu khí là với mức giá 30 - 40 USD/thùng thì không có lợi nhuận, nhưng ở mức 50 hoặc 55 USD/thùng, “câu chuyện sẽ khác”, ngụ ý một năm khủng khiếp, gia tăng số công ty vỡ nợ… của ngành năng lượng đã qua khi giá dầu phục hồi trên mốc 50 USD/thùng. Ông Matt Kennedy, Giám đốc danh mục đầu tư tại Angel Oak Capital Advisors, cho biết trong những tháng gần đây, vận may của các nhà sản xuất dầu khí đã bắt đầu tăng lên. Ngành năng lượng ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong số gần 20 ngành công nghiệp tháng đầu năm nay. “Việc triển khai vắc xin Covid-19 là một chất xúc tác ổn định, với kỳ vọng rằng nhu cầu dầu sẽ được thúc đẩy khi nền kinh tế phục hồi, nhưng cũng có khả năng giá cao hơn nếu sản lượng dầu thô của Mỹ và toàn cầu vẫn được kiểm soát”, vị này dự đoán.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh hơn đã phần nào kìm hãm đà phục hồi của thị trường dầu vì đây là dòng tiền thường di chuyển ngược chiều với giá dầu. Đồng USD hiện đã tiến lên đỉnh 2 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Ngày 5.2, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 16.309 đồng/lít; xăng RON95 17.270 đồng/lít; dầu diesel 13.042 đồng/lít; dầu hỏa 11.908 đồng/lít và dầu mazut 12.622 đồng/kg.
Bình luận (0)