Ngày 5.6, giá xăng dầu tiếp đà mất hơn 1 USD/thùng. Theo đó, giá dầu Brent giảm 84 cent, tương đương 1,07%, xuống 77,52 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm, dầu Brent trượt xuống mức 76,76 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 97 cent, tương đương 1,31%, xuống 73,25 USD/thùng.
Trước việc giá dầu liên tục lao dốc, nhà phân tích thị trường Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét trên Reuters rằng, thị trường đang phản ứng thái quá với thông báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+).
Ngày 2.6, tại cuộc họp trực tuyến, OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày thêm 1 năm cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, tổ chức này lại cho biết việc cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của 8 thành viên sẽ được dỡ bỏ dần dần, bắt đầu từ tháng 10. Điều này làm tăng thêm nỗi lo lắng về tình trạng dư cung trong bối cảnh các nhà giao dịch lo sợ lãi suất cao cản trở hoạt động kinh tế toàn cầu.
Tại Mỹ, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cũng cho thấy, tồn kho dầu và sản phẩm chưng cất của nước này bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước. Sản phẩm chưng cất tăng 4,052 triệu thùng, ngược so với dự báo giảm 1,9 triệu thùng của các nhà phân tích trước đó.
Trong nước, theo xu hướng giá thế giới, tính toán của một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho thấy, tại kỳ điều chỉnh giá chiều ngày mai (6.6) có thể giảm từ 300 - 900 đồng/lít, trong đó mức giảm của giá xăng cao hơn. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 12 lần tăng, 10 lần giảm. Mặt hàng dầu có 11 lần tăng, 11 lần giảm.
Trong diễn biến khác, chiết khấu bán lẻ về đại lý xăng dầu ở thị trường vùng 2 (xa cảng, xa nhà máy lọc dầu, xa kho...) với xăng sáng nay khoảng trên dưới 800 đồng/lít, dầu diesel trên 1.000 đồng/lít.
Bình luận (0)