Ngày 8.9, giá xăng dầu giảm nhẹ, giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 68 cent, tương đương 0,8%, xuống mức 89,92 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ cũng kết thúc phiên giao dịch giảm 67 cent, tương đương 0,8%, xuống mức 86,67 USD/thùng. Như vậy, sau 9 phiên tăng liên tiếp của dầu WTI và 7 phiên tăng của dầu Brent, cả 2 mặt hàng dầu chuẩn đã quay đầu giảm nhẹ.
Trên Reuters, ông Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao tại BOK Financial, nhận xét giá dầu thô của các hợp đồng tương lai đang chịu một số áp lực từ do đồng USD tăng giá, các số liệu kinh tế suy yếu hơn từ khu vực đồng euro...
Ngoài ra, theo Reuters, các thông tin về thương mại tại Trung Quốc cũng phần nào tác động khiến thị trường biến động. Trong tháng 8, xuất khẩu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này giảm 8,8%, nhập khẩu giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô tăng gần 31%.
Trong một diễn biến khác, dữ liệu cho thấy nhu cầu dầu thô của Mỹ vẫn mạnh do tồn kho dầu thô giảm 6,3 triệu thùng trong tuần trước, giảm tuần thứ 4 liên tiếp và giảm hơn 6% trong tháng 8.
Tuy các thông tin được công bố từ OPEC+ đều cho biết nguồn cung sẽ bị thắt chặt, song diễn biến của thị trường theo các nhà phân tích là rất khó đoán, bởi khó nhận ra "bất kỳ yếu tố tiêu cực nào do hạn chế về nguồn cung".
Trên thị trường Singapore, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm đồng loạt tăng nhẹ trong phiên giao dịch kết thúc tối 7.9. Cụ thể, xăng RON95 là 109,28 USD/thùng, xăng RON92 đi ngang mức 103,14 USD/thùng, dầu diesel 119,75 USD/thùng. Theo ước tính của các nhà nhập khẩu, giá xăng dầu nhập khẩu hôm nay đang cao hơn giá bán trong nước khoảng từ 10 - 370 đồng/lít.
Ngày 8.9, chiết khấu bán lẻ do Petro Times thông báo đến các đại lý dao động từ 850 - 1.050 đồng/lít, lấy hàng tại các kho khu vực phía bắc. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước hôm nay phổ biến như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.871 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.645 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.814 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.704 đồng/kg.
Bình luận (0)