Ngày 11.6, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 mất 0,92 USD, tương đương 2,3%, xuống 38,68 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 8 mất 0,90 USD, xuống 38,88 USD/thùng. Dầu Brent cũng giảm hơn 2%, hợp đồng giao tháng 8 mất 0,85 USD, xuống 40,88 USD/thùng; giao tháng 9 mất 0,85 USD, xuống 41,09 USD/thùng.
Thông tin các kho dự trữ nhiên liệu tồn kho cao có thể là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu ngày 11.6 quay đầu tăng mạnh sau khi kết thúc phiên lúc rạng sáng ngày 11.6 (giờ Việt Nam) dầu WTI đã tăng được 0,66 USD (tương đương 1,7%) và dầu Brent tăng 0,55 USD (tương đương 1,3%). Ngày 10.6, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) thông tin dự trữ dầu thô nội địa Mỹ tăng 5,7 triệu thùng trong tuần qua, cao hơn dự báo trước đó là giảm 3,2 triệu thùng từ các nhà phân tích.
Theo chuyên gia phân tích trên MarketWatch, thị trường dầu mỏ đang phản ứng với sự phục hồi nhu cầu đi lại, các hoạt động kinh doanh khởi động lại giữa lúc tình hình dịch Covid-19 suy giảm ở phần lớn các nước phát triển, cũng như thỏa thuận gia hạn mới giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh. Ngoài ra, các hợp đồng dầu thô tăng trong ngày thứ Tư (10.6) nhờ vào đà suy yếu của đồng USD sau tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên phạm vi lãi suất hiện tại cho tới năm 2022. “Đồng USD bị suy yếu sau tuyên bố của Fed, đã đẩy giá dầu thô tiến về mức cao trong phiên sau báo cáo của EIA”, Matt Smith - Giám đốc tiếp cận hàng hóa tại ClipperData, nhận định.
Ở trong nước, theo bảng giá xăng dầu bán lẻ ngày 11.6 của Petrolimex, xăng E5 RON92 dao động từ 12.400 - 12.640 đồng/lít, xăng RON95 từ 13.120 - 13.380 đồng/lít, dầu diesel từ 11.040 - 11.260 đồng/lít, dầu hỏa từ 8.750 - 8.920 đồng/lít. Ngày mai, đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Theo diễn tiến giá thế giới, giá xăng dầu ngày mai có thể tăng lần thứ 3 trong năm.
Bình luận (0)