Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 giảm 82 cent, tương đương 2,5%, xuống 31,99 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 8 giảm 76 cent xuống 32,47 USD/thùng; giao tháng 9 cũng mất 69 cent xuống 33 USD/thùng. Tương tự, dầu Brent cũng lao dốc gần 2% xuống 34,87 USD/thùng với các hợp đồng giao tháng 7; giao tháng 8 mất 56 cent xuống 34,89 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (27.5), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex mất 1,54 USD, tương đương 4,5%, xuống 32,81 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 mất 1,43 USD, tương đương gần 4%, xuống 34,74 USD/thùng.
Theo MarketWatch, các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh do chịu sức ép từ thông tin Nga đang cân nhắc nới lỏng sản lượng trong tháng 7 tới. Tháng 7 trùng khớp với thời điểm kết thúc thỏa thuận của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày (từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6). Tuy nhiên, trên Reuters, nhiều nhà phân tích tỏ ý nghi ngờ việc Nga có thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng hay không trong thời gian qua. “Ý định tăng sản lượng trong lúc này là không khả quan”, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric nhận định.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang góp phần không nhỏ gây áp lực lên giá dầu. Lo ngại lớn nhất là một cuộc chiến thương mại mới nổ ra giữa hai cường quốc sẽ giáng đòn mạnh xuống nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng không được khỏe do dịch Covid-19. Cơ quan năng lượng Quốc tế hôm qua (27.5) cho biết đầu tư năng lượng toàn cầu dự kiến giảm khoảng 20% (400 tỉ USD) trong năm nay vì ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19.
Ở trong nước, theo công bố của Petrolimex ngày hôm nay (28.5) giá xăng E5 RON92 từ 11.520 đồng/lít, xăng RON95 từ 12.230 đồng/lít, dầu diesel từ 9.850 đồng/lít, dầu hỏa từ 7.880 đồng/lít. Chiều nay, sẽ đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày của liên Bộ Công thương – Tài chính. Theo dữ liệu và một số dự báo, giá xăng bán lẻ trong nước có thể tăng mạnh, hơn 1.000 đồng/lít sau 3 giờ chiều nay.
Bình luận (0)