Giá xăng 'làm căng' doanh nghiệp

21/06/2015 05:30 GMT+7

Sau 3 lần tăng giá chỉ trong vòng 45 ngày qua, giá xăng đã tăng tổng cộng 3.430 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 4 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng 5.025 đồng/ lít. Nhiều doanh nghiệp đang cảm thấy căng thẳng với diễn biến này.

Sau 3 lần tăng giá chỉ trong vòng 45 ngày qua, giá xăng đã tăng tổng cộng 3.430 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 4 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng 5.025 đồng/ lít. Nhiều doanh nghiệp đang cảm thấy căng thẳng với diễn biến này.
Xăng tăng giá lần 3 trong vòng 45 ngày qua - Ảnh: D.Đ.MXăng tăng giá lần 3 trong vòng 45 ngày qua - Ảnh: D.Đ.M
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Công ty chuyên kinh doanh vận tải (trụ sở ở Q.11, TP.HCM) tính toán: Xe cho khách thuê trung bình mỗi tháng tiêu tốn 200 - 300 lít xăng với đoạn đường từ 2.000 - 3.000 km. Sau 4 lần tăng giá, trung bình chi phí tiền xăng một chiếc xe tăng thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng/xe. “Công ty chúng tôi hiện có 13 chiếc xe đời mới cho khách thuê, mỗi tháng phải chi thêm từ 13 - 19,5 triệu đồng tiền xăng trong khi giá cho thuê xe vẫn như cũ từ năm ngoái đến nay”, ông Hảo nói.
Theo chị Phan Thị Thanh Hằng, chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc Thanh Hằng (Q.Tân Bình, TP.HCM), giá cước gửi hàng áo quần đi các tỉnh đã liên tục tăng từ cuối năm ngoái đến nay. “Sáng nay nhân viên của công ty vừa gửi 6 kiện hàng đi Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, nghe chủ xe dọa sắp tới giá cước sẽ tăng vì giá xăng vừa tăng nữa. Không biết tăng bao nhiêu, nhưng nghe vậy là thấy mệt rồi”, chị Hằng chia sẻ.
Theo quyết định điều hành giá xăng phát đi ngày 19.6 của liên Bộ Tài chính, Công thương, do giá cơ sở (được hình thành bởi giá nhập khẩu bình quân 15 ngày, thuế nhập khẩu 20%, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, trích lập bình ổn giá, thuế giá trị gia tăng, các loại phí...) của mặt hàng xăng cao hơn giá bán lẻ 1.322 đồng/lít nên cơ quan điều hành quyết định đồng thời áp dụng hai công cụ là tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức trích 1.047 đồng/lít như lâu nay. Phần thiếu còn lại là 275 đồng sẽ do doanh nghiệp tăng giá bán lẻ để bù. Giá xăng tại thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu xăng của VN) trong chu kỳ 15 ngày vừa qua tăng hơn so với trước khoảng 1,2 USD/thùng xăng RON 92. Đây cũng là cơ sở để liên Bộ đưa ra quyết định điều hành tăng giá xăng.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, nguyên nhân sâu xa phần lớn tác động từ việc tăng thuế nhập khẩu xăng của Bộ Tài chính. Theo tính toán từ bản tính giá cơ sở của Hiệp hội Xăng dầu, các loại phí, thuế này đang chiếm gần 40% giá xăng bán ra.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Thế giới hiếm có quốc gia nào áp dụng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, đặc biệt các quốc gia trong khu vực hầu như không áp dụng. Giải pháp áp thuế bảo vệ môi trường của chúng ta nhằm bù vào khoản thâm hụt ngân sách do phải giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% từ đầu tháng 5 vừa qua theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Bộ Tài chính nói xăng sẽ không tăng sau khi ký quyết định áp thuế môi trường, nhưng thực tế, từ đó đến nay, đã có 3 lần tăng giá xăng. Chính điều này khiến người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại với chính sách điều hành giá xăng của chúng ta”.
Nền kinh tế “chưa khỏe hẳn đâu”
Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, nền kinh tế từng bước hồi phục, vẫn cần thời gian nữa, chưa khỏe hẳn đâu. Việc tạo những áp lực về tăng giá xăng, giá điện, tỷ giá có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong nửa năm tới. Sức mua đang hồi phục dần, nếu các chi phí đầu vào tăng, giá thành sản phẩm đội lên, khiến nỗ lực phục hồi nền kinh tế của chúng ta khó thành công như mong đợi. Thứ nữa, việc tăng chi phí đầu vào bất luận vì lý do gì trong bối cảnh doanh nghiệp nội địa đang chật vật cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài sẽ là con dao hai lưỡi trong tiến trình hội nhập của VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.