Giá xăng phá nguồn thu bền vững

22/05/2015 06:32 GMT+7

Thuế suất thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường cao, năng suất kinh doanh thấp… là những nguyên nhân khiến giá xăng dầu của VN luôn ở mức cao và là gánh nặng đối với người tiêu dùng sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá.

Thuế suất thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường cao, năng suất kinh doanh thấp… là những nguyên nhân khiến giá xăng dầu của VN luôn ở mức cao và là gánh nặng đối với người tiêu dùng sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá.
Kể từ đầu năm 2015 cho tới nay, chúng ta đã 5 lần điều chỉnh giá xăng, dầu. Trong đó 2 lần giảm, 3 lần tăng.
Tính chung 3 lần tăng, giá xăng đã leo thêm gần 4.800 đồng mỗi lít. Đây là mức khá cao, chắc chắn sẽ tác động tới sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa dịch vụ có cơ cấu giá xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành. Điều này cũng sẽ tác động tới mặt bằng giá cả (tới lạm phát), do đó các cơ quan chức năng cần có những biện pháp hữu hiệu để tránh hiện tượng giá tăng do “té nước theo mưa”.
Nhìn lại việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua cho thấy, chúng ta đã tuân thủ theo cơ chế giá thị trường, theo giá thế giới, có lên có xuống. Bởi hiện chúng ta phải nhập tới gần 70% xăng dầu thế giới cho tiêu dùng trong nước. Trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nên điều hành giá trong nước phải phù hợp với giá thế giới.
Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng dầu ở mỗi nước còn phụ thuộc vào chính sách thuế, phí, hiệu quả của các đơn vị kinh doanh xăng dầu (chi phí kinh doanh) và các công cụ khác như quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp. Và đặc biệt, việc điều hành giá xăng dầu trong nước cần phải biết sử dụng linh loạt các công cụ: thuế, phí, quỹ bình ổn và giá. Đây là những “cái van” rất quan trọng. Làm sao vừa phải tuân thủ những cam kết quốc tế, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước (thuế) - doanh nghiệp (lợi nhuận) và của người tiêu dùng (giá), trong điều kiện thị trường xăng dầu của chúng ta còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Việc so sánh với giá xăng dầu của các nước là để tham khảo và biết chính sách thuế, phí, hiệu quả kinh doanh của từng nước về kinh doanh xăng dầu. Không có nghĩa là khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước trong khu vực (Campuchia 22.344 đồng/lít; Lào 22.988 đồng/lít) thì lý giải việc tăng giá là để chống việc buôn lậu qua biên giới. Điều này không thuyết phục! Vậy cơ quan chức năng chống buôn lậu ở đâu và sinh ra để làm gì? Trong khi, tại thời điểm ngày 19.5.2015, theo Hiệp hội Xe hơi Mỹ (American Automobile Association) giá xăng trung bình nước Mỹ là 0,72 USD/lít, tương đương khoảng 15.700 đồng/lít; còn tại Trung quốc 20.296 đồng/lít).
Nếu so sánh với giá bán lẻ tại thị trường Mỹ có thể thấy giá bán lẻ xăng của VN cao hơn, điều này được lý giải là do thuế, phí cao và do hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng còn thấp. Minh chứng điều này cho thấy thuế bảo vệ môi trường của chúng ta quá cao (3.000 đồng/lít, chiếm 14,68% giá bán), hiện nay trên thế giới chỉ một số rất ít nước có áp dụng loại thuế này.
Trong bối cảnh thu nhập của người lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh của chúng ta còn thua xa, điều mong mỏi nhất của xã hội là làm sao trong điều hành về kinh tế, nhà nước đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 chủ thể trong nền kinh tế đó là: nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một mức thuế suất cao mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách trước mắt, nhưng nó không nuôi dưỡng được nguồn thu bền vững lâu dài từ chính những người dân đang đóng thuế từng ngày, vốn teo tóp vì những khó khăn chất chồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.