Tại sao "găm" quỹ, chi nhỏ giọt ?
Giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh vừa qua (21.9) tăng mạnh, xăng tăng cao nhất gần 900 đồng/lít, dầu cũng tăng cao nhất 630 đồng/lít. Sau tăng, giá xăng RON 95 vọt đến mốc 26.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 9 tháng qua. Đáng nói, Quỹ bình ổn (QBO) giá xăng dầu đang có số dư rất lớn, lại không được chi sử dụng suốt 5 kỳ điều hành vừa qua để kìm hãm đà tăng.
Tại kỳ này, giá xăng thế giới tăng mạnh, liên bộ Công thương - Tài chính cũng chỉ cho chi sử dụng QBO 300 đồng mỗi lít (trừ dầu mazut), khá thấp. Trở lại quý 2, việc trích lập quỹ lên đến 1.780 tỉ đồng nhưng chi trong quý chỉ hơn 5,9 tỉ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31.7, số dư của quỹ đã lên tới hơn 7.438 tỉ đồng, mức cao nhất từ quý 1/2021 đến nay. Thế nhưng, kể từ đầu năm đến nay, mức chi quỹ hết sức khiêm tốn và số lần chi cũng hãn hữu.
Cụ thể, tính từ kỳ điều hành ngày 12.6 đến kỳ điều hành ngày 21.9, giá xăng E5 RON92 đã tăng 3.683 đồng/lít, tương đương 17,64%, xăng RON95-III tăng 4.130 đồng/lít (18,76%), dầu diesel 0.05S tăng 5.964 đồng/lít (34,82%), dầu hỏa tăng 6.206 đồng/lít (34,82%), dầu mazut tăng 3.465 đồng/kg (23%).
Theo Bộ Công thương, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn trong hoạt động khai thác thủy sản, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% tổng chi phí sản xuất; vận tải 63,36%; khai thác than 45,18%... Việc tăng giá xăng dầu thường tác động mạnh đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống thường nhật của người dân. Bà Nguyễn Quốc Khánh, đại diện một công ty logistics nước ngoài có trụ sở đặt tại Q.1, TP.HCM, nhận xét đừng nghĩ giá xăng dầu chưa đạt đỉnh như năm ngoái nên cứ cho tăng, không tác động giảm sớm. Chi phí vận chuyển nội địa cũng đã ước tính trong giá báo cho doanh nghiệp từ đầu năm.
"Chẳng hạn, giá xăng dầu chúng tôi đưa vào bài toán tính giá vận tải cho doanh nghiệp năm nay dao động từ 22.000 - 24.000 đồng/lít, nay xăng vọt lên trên 26.000 đồng/lít và có thể tăng thêm. Trong khi đó, tiền trích trong QBO từ người mua xăng dầu còn hơn 7.400 tỉ đồng, đang được doanh nghiệp xăng dầu "giữ tạm", sao không cho xả nhiều hơn. Sao găm quỹ đó không chi? Tại sao lại ưu ái cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng?", bà Nguyễn Quốc Khánh thắc mắc.
Chi "dè sẻn" vì sợ giá tăng tiếp ?
Việc tăng giá xăng dầu cao trong thời điểm này tất nhiên khiến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ lo lắng hơn. Bởi sau 2 quý đầu năm đơn hàng giảm, sản xuất kinh doanh giảm, quý 3 là thời điểm tăng tốc để phục hồi, lấy đà cho quý cuối năm. Chính phủ cũng có các chỉ đạo nhằm kìm giá hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước. Thế nên, cùng ngày liên Bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi 2 bộ này liên quan việc quản lý và sử dụng QBO.
Cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu 2 bộ bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước, theo thẩm quyền chủ động điều hành kịp thời, hiệu quả giá xăng dầu và sử dụng QBO theo đúng quy định. Yêu cầu tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới…
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, đánh giá xăng tăng đến 26.000 đồng/lít trong bối cảnh nền kinh tế nỗ lực kìm lạm phát, kích cầu là tương đối cao, gây khó cho phục hồi. Theo ông, "lý tưởng" nhất lúc này là mua xăng dầu ở mức giá 18.000 - 20.000 đồng/lít. Tuy vậy, ông lại cho rằng việc quyết định chi sử dụng QBO bao nhiêu có thể được các cơ quan quản lý tính toán và dự báo rồi, không thể thấy "xông xênh" lại mạnh tay xả quỹ, đến khi giá thế giới tăng nữa, lại "không còn gì để chi".
Ông Long chia sẻ xu hướng giá dầu thế giới từ nay đến cuối năm sẽ tăng nữa, khó giảm. Các nhà phân tích thị trường thế giới dự báo giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đang dưới mốc 95 USD/thùng nhưng sẽ lên 100 USD/thùng từ nay đến cuối năm. Thế nên, cơ quan điều hành giá trong nước có thể tính phương án trong thời gian tới, việc trích quỹ nữa sẽ hơi gặp khó khăn, nên điều hành bằng hình thức xả quỹ từ từ. Mỗi kỳ điều chỉnh giá, xả quỹ một ít, sẽ giúp giá không tăng sốc lên 31.000 đồng/lít như năm ngoái…
"Giá xăng đang ở đỉnh nếu tính từ đầu năm đến nay, nhưng cần có chiến lược phòng ngừa rủi ro, nguồn tài lực của quỹ cũng có giới hạn. Giá còn tăng nữa, chi ào ào thì khi giá thế giới tăng vọt, rất nguy hiểm. Quan trọng là phân bố, chi sử dụng hợp lý. Tôi nghĩ vậy", PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú lại có quan điểm khác: Giá xăng dầu tại kỳ điều hành gần đây so với giá giữa tháng 6 đã cao hơn từ 17,64 - 34,82%, chỉ trong 3 tháng, mức tăng như vậy là quá lớn cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Đáng nói, mức tăng giá dầu rất cao, trong khi dầu là nhiên liệu cho ngành sản xuất, khai thác, đánh bắt cá...
"Tôi cũng như nhiều người quan sát thị trường trong và ngoài nước, khá băn khoăn khi kỳ điều chỉnh giá vừa rồi, liên bộ lại cho xả quỹ quá khiêm tốn. Là mặt hàng đặc biệt, nhưng thiết yếu, điều hành giá xăng dầu cần có sự linh hoạt và sự can thiệp kịp thời, đúng thời điểm mới hiệu quả. Giá đầu vào tăng thì sẽ đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Giá xăng dầu tăng mạnh trước lúc người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng thời, nguy cơ tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) quý 4 với biên độ nhanh hơn. Theo tôi, liên bộ Công thương - Tài chính nên nghiên cứu sớm để có thể làm hạ nhiệt giá các mặt hàng là đầu vào toàn xã hội, đánh giá giá cả trên góc độ toàn diện và sát thực tế hơn", ông Phú nhấn mạnh.
Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý 2, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30.6 cao nhất với hơn 3.198 tỉ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ. Thứ hai là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà hơn 612,3 tỉ đồng; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức hơn 468,3 tỉ đồng…
Báo cáo cũng ghi nhận 4 đơn vị đang âm quỹ bình ổn gồm Công ty CP xăng dầu Tân Nhật Minh âm 32,2 tỉ đồng, Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) âm 22,4 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An âm 12,5 tỉ đồng, Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 4,1 tỉ đồng.
Bình luận (0)