10 ngày nữa không bán được phải cắt bỏ
Ngày 10.2, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại nơi mệnh danh là "thủ phủ cam sành" miền Tây ở H.Trà Ôn (Vĩnh Long), hàng ngàn ha cam sành đang cho trái chín vàng nhưng không thương lái đến mua, khiến nhà vườn như ngồi trên đống lửa.
Đắng nghét ở “thủ phủ” cam sành vì giá lao tận đáy còn dưới 1.000 đồng/kg
Anh Trần Anh Thoại (42 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, H.Trà Ôn), có hơn 1,5 ha cam sành đang vào vụ, cho biết mấy ngày nay cam chín vàng trĩu cây nhưng không tìm được thương lái đến mua, đành phải neo chờ khiến anh đứng ngồi không yên.
"10 ngày nữa nếu không bán được phải cắt bỏ chứ không thể để trái tự rụng được, vì sẽ làm suy cây, ảnh hưởng đến mùa sau. Lúc đầu trồng thấy có lãi nên gia đình mạnh dạn thuê thêm 2,5 ha đất. Ai ngờ giá mua tại vườn giờ chỉ có trên dưới 2.000 đồng/kg. Mong sao vài hôm nữa giá lên lại chứ kiểu này chắc bể nợ", anh Thoại rầu rĩ.
Ông Huỳnh Văn Năm, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Thới Hòa, H.Trà Ôn, thông tin, xã hiện có 1.660 ha đất trồng cam sành, chiếm 100% đất nông nghiệp. Diện tích trồng cam sành tăng nhanh từ khoảng năm 2017, nay đã có đến 1.300 ha trồng cam. Đến hiện nay xã không còn trồng lúa, chuyển đổi 100% đất sang trồng cam sành. Trung bình mỗi công cam cho năng suất từ 7 - 15 tấn. Với giá bán hiện tại trên dưới 2.000 đồng/kg cam đẹp thì người nông dân cầm chắc lỗ vì đầu tư mỗi công cam mới từ 100 - 120 triệu đồng. Các vườn cam "ăn" vụ đầu thì lỗ cả trăm triệu đồng.
Mỗi công cam sành nguy cơ lỗ hơn 100 triệu đồng
Ông Phan Văn Trí (51 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, H.Trà Ôn) thuê 7 công đất với giá 5 triệu đồng/công và đầu tư 150 triệu đồng/công nhưng hiện tại giá bán chỉ 2.500 đồng/kg, 7 công được 15 tấn cam tương đương 37,5 triệu đồng. "Đợt này lỗ hơn trăm triệu là chắc rồi, tiền phân thuốc thiếu nợ, không biết họ có bán thiếu nữa không, mong đợt tới giá lên chứ kiểu này chắc bỏ nghề", vợ ông Trí ngồi cạnh buồn bã nói.
Anh Nguyễn Văn Tùng (42 tuổi, thương lái mua cam ở H.Trà Ôn) cho biết, hiện tại giá cam mua tại vườn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, cam xấu thì 800 - 900/kg, cam đẹp cao hơn 2.500 - 3.000 đồng/kg. "Đây là lần đầu tiên giá cam giảm thê thảm như vậy, nguyên nhân do cam đợt này nhiều, trùng với cam của miền ngoài nên giá rớt thê thảm. Mua ở đây giá vậy chứ ra chợ tôi bán sỉ chỉ có 3.000 - 4.000 đồng/kg, có lời được bao nhiêu đâu; còn công cắt, vận chuyển nữa", anh Tùng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN-PTNT H.Trà Ôn thừa nhận, diện tích cam ở huyện đã tăng rất nhanh. Huyện có 21.000 ha đất nông nghiệp. Năm 2018, diện tích trồng cam chỉ hơn 3.900 ha, diện tích trồng lúa hơn 8.800 ha. Đến đầu năm nay, diện tích trồng cam đã tăng lên hơn 9.500 ha, điện tích trồng lúa chỉ còn hơn 1.600 ha. Trong đó, xã Thới Hòa đã chuyển trồng cam sành gần 100%. Một số xã có trên 1.000 ha trồng cam sành như: Hòa Bình, Thuận Thới, Hựu Thành, Trà Côn.
Theo ông Tám, các hộ dân ở địa phương chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cam sành theo quy định về linh hoạt chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở địa phương. "Trước đây cũng có nhiều hộ giàu lên từ cây cam sành này, nhưng hiện tại diện tích trồng cam tăng cao, vụ cam này trùng với vụ cam của miền ngoài nên dẫn đến dội chợ. Thứ 2, cam sành thường được chuyển ra miền ngoài bán, nhưng hiện nay vẫn đang mùa lạnh, dẫn đến tồn đọng cam số lượng lớn. Nhưng đa phần các hộ lỗ vốn là do các hộ trồng tự phát sau này, chứ những hộ trồng từ lâu đã có đầu mối vẫn bán được lấy vốn và có lời", ông Tám cho biết thêm.
Hiện tại, nhiều vườn cam ở H.Trà Ôn đang vào vụ. Cam chín vàng nhưng không có thương lái đến mua dẫn đến nhiều nông dân như "ngồi trên đống lửa" bởi cam sành neo trên cây chín vàng từng ngày, không thu hoạch sớm sẽ ảnh hưởng đến mùa sau. Người nông dân hy vọng ngành chức năng sớm có biện pháp ổn định thị trường và quy hoạch vùng trồng hợp lý để tình trạng "được mùa mất giá" không lặp đi lặp lại.
Bình luận (0)