Giấc mơ cà phê đặc sản Việt: Đưa cà phê Langbiang đi muôn nơi

Lê Vân
Lê Vân
06/03/2023 06:25 GMT+7

Dưới chân núi Langbiang của TT.Lạc Dương (H.Lạc Dương, Lâm Đồng), một nhóm nông hộ "toàn cầu" đã cùng nhau đưa cà phê mang thương hiệu Langbiang ra thế giới.

Bị mê hoặc bởi những điều gần gũi

Người kết nối cho các nông hộ K'Ho đưa cà phê Langbiang đi khắp nơi lại là một người Nhật Bản có nhiều duyên nợ với VN. Đó là anh Kiyotaka Yamaoka (43 tuổi, tên thân mật là Kiyo) đã có hơn 10 năm sống ở VN. "Từ chuyến đi du lịch, Kiyo không ngờ rằng sau 13 năm, anh đã chọn ở lại VN. Và lại càng không nghĩ rằng sẽ có vợ Việt", chị Trần Vũ Mỹ Trinh, 33 tuổi, vợ Kiyo chia sẻ.

Dưới chân núi Langbiang mùa này đang vào vụ sơ chế cà phê sau thu hoạch. Chị Trinh và anh Kiyo tất bật với đơn hàng 5 tấn sắp xuất đi Nhật trong năm 2023. Chị tranh thủ thời gian rảnh để chăm 3 đứa con nhỏ, trong đó đứa lớn nhất chưa tới 10 tuổi và một bé mới sinh. "Tụi nhỏ cũng ngoan lắm, theo ba mẹ đi làm cà phê mà không quấy chút nào. Mấy chị em người K'Ho lại yêu trẻ nên vừa địu nó vừa nhặt hạt nhân lỗi, vừa làm vừa hát líu lo…", chị Trinh kể về cuộc sống của họ ở nông trại tại làng K'Ho, TT.Lạc Dương.

Giấc mơ cà phê đặc sản Việt: Đưa cà phê Langbiang đi muôn nơi - Ảnh 1.

Anh Kiyo và con gái cùng rửa cà phê

Năm 2010, chàng trai người Nhật có chuyến phượt xuyên Việt bằng xe máy. Với Kiyo, chuyến đi ấy giúp anh thực hiện giấc mơ tìm hiểu về văn hóa, cảnh đẹp của đất nước mà anh yêu thích từ lúc nhỏ. Nhưng sau chuyến phượt, Kiyo đã quyết định đóng cửa tiệm cà phê ở Nhật để sang VN bởi thích sự thân thiện, gần gũi của người Việt. Trước đó, cà phê là niềm đam mê và cũng là lĩnh vực mà anh đã học hỏi từ khi mới tốt nghiệp phổ thông tại Nhật.

Để thực hiện kế hoạch, anh Kiyo mất thêm 6 năm thu xếp việc kinh doanh. Năm 2016, anh chính thức mở tiệm cà phê theo phong cách "specialty coffee" (cà phê đặc sản) ở Q.8, TP.HCM. Khi còn làm cà phê ở Nhật, anh đã có kinh nghiệm về rang xay cũng như kiến thức về cà phê đặc sản. "Điều khiến mình tự tin là nhìn thấy tiềm năng cà phê ở đây. Người Việt thức giấc cùng ly cà phê hằng ngày. Tuy gu có khác nhưng đó là điểm xuất phát tốt", anh Kiyo bộc bạch.

Cà phê Việt trước giờ chỉ xuất khẩu chủ yếu là hàng thô với giống Robusta chiếm phần lớn, còn Arabica rất ít. Lúc anh Kiyo mở quán cà phê đặc sản, vẫn chưa có ai làm "specialty coffee" ở VN. Anh rất trăn trở khi có nhiều bạn bè quốc tế đến quán và hỏi: "VN có cà phê đặc sản không?".

Giấc mơ cà phê đặc sản Việt: Đưa cà phê Langbiang đi muôn nơi - Ảnh 2.

Đo độ đường trái cà phê chín

Năm 2018, anh Kiyo được một người bạn giới thiệu nên mới biết đến các nông hộ ở Langbiang. Anh đến vườn cà phê của vợ chồng anh Pat Cill và chị Tâm Pat Liêng người K'Ho đang làm sơ chế cà phê ở đây. "May mắn là cà phê nơi đây có nét đặc trưng riêng so với các vùng nguyên liệu ở VN, hương vị cà phê cũng ngon và khác biệt, có thể làm cà phê đặc sản", anh Kiyo nhớ lại. Sau nhiều lần đến đây tìm hiểu và học hỏi cách sơ chế, Kiyo quyết định chuyển công tác lên Langbiang để làm sơ chế nhân xanh. Anh đặt mục tiêu tự mình làm ra hạt cà phê specialty, quảng bá cà phê Langbiang rộng rãi cho nhiều người biết hơn vì như anh nhận xét cà phê nơi đây tốt nhưng lại ít người biết.

Bắt tay nhau làm cà phê đặc sản

Nông hộ của anh Kiyo chủ yếu thu mua trái cà phê tươi chín 100% về sơ chế và đáp ứng đơn hàng từ Nhật. Hiện, họ lấy trái tươi từ các nông hộ núi Langbiang, Lạc Dương, một số ít ở Đạ Sar. "Con đường đi Nhật khá chông gai vì tiêu chuẩn của họ rất khắt khe không chỉ ở phẩm chất hạt cà phê mà còn các yếu tố an toàn thực phẩm. Tụi mình cũng mới xuất đi được 2 năm nay. Trước đó chủ yếu bán cho các quán cà phê đặc sản ở Sài Gòn và Hà Nội", anh Kiyo cho biết.

Giấc mơ cà phê đặc sản Việt: Đưa cà phê Langbiang đi muôn nơi - Ảnh 3.

Vợ chồng Kiyo và anh Pat, chị Tâm ở vườn cà phê

Tin vui là nếu như hồi năm 2016, quán cà phê ở Sài Gòn của anh Kiyo chủ yếu bán các hạt specialty có nguồn gốc nước ngoài thì tới cuối 2018 đã có nguồn ổn định hạt Arabica và Robusta trong nước. "Anh Kiyo luôn sục sôi tìm nguồn cà phê đặc sản từ Đắk Lắk, Sơn La, Cầu Đất, Bảo Lộc… Khi tìm được nguồn ổn thì lại bị dịch làm khó, phải đóng quán ở Sài Gòn. Nhưng ảnh không bỏ cuộc mà quyết định về Langbiang để tự thu mua, sơ chế nhân xanh hạt specialty bởi ảnh tin là sẽ có ngày hạt cà phê Việt khẳng định được giá trị vốn có", chị Trinh nói.

Việc thu mua cà phê ở vùng nguyên liệu cũng khá "chua" khi tập quán của bà con ở đây là chỉ hái trái chín khoảng 50 - 60% và buộc phải bán cho thương lái vào cuối vụ vì đã ứng tiền phân, thuốc từ đầu vụ. "Còn phải trả lãi nữa, vay 1 triệu đồng là trả 50.000 đồng mỗi tháng, cứ thế nhân lên. Nên nhiều người cuối vụ không đủ cà mà trả cho con buôn. Có khi còn nợ thâm năm này qua năm khác", chị Tâm Pat Liêng chia sẻ.

Trong khi đó, việc sản xuất cà phê đặc sản yêu cầu phải hái chín từ 80 - 90% trở thành bài toán khó. Nhưng cũng chính vì làm cà phê quanh năm mà không đủ tiền tái đầu tư, nợ nần, giá rẻ mạt và phụ thuộc vào thương lái nên dần dần anh Pat Cill cùng vợ đã thuyết phục bà con. Pat Cill và Tâm là cặp vợ chồng K'Ho hiếm hoi mở đường đưa cà phê buôn làng đi xuất khẩu.

Tháng 10.2022 là những ngày đáng nhớ với Tâm Pat Liêng khi lần đầu tiên chị được mang cà phê Langbiang đi dự triển lãm SCAJ World 2022 (Specialty Coffee Conference and Exhibition - Triển lãm cà phê đặc sản thế giới), diễn ra từ ngày 12 - 14.10.2022 tại Trung tâm triển lãm Tokyo Big Sight, Nhật Bản. Chị Tâm vui khoe: "Cà phê Langbiang của mình mang đi 300 kg, vậy mà ở triển lãm người ta thử rồi mua hết sạch".

Giấc mơ cà phê đặc sản Việt: Đưa cà phê Langbiang đi muôn nơi - Ảnh 4.

Anh Kiyo (tóc dài) cùng các nông hộ sơ chế cà phê

Lê Vân

Để có được ngày vui ấy là quá trình vượt qua định kiến của Kiyo và các nông hộ làm cà phê đặc sản như Langbiang coffee village của Pat và Tâm, Langbiang coffee project của Kiyo, Radar farm, Future coffee farm… trong suốt gần 10 năm qua.

"Ở VN, 5 năm trước nhu cầu về cà phê đặc sản chưa phổ biến rộng rãi. Nhưng sau 5 năm du nhập thì thị trường về cà phê đặc sản dần được chấp nhận, đầu tiên là các hạt cà phê specialty nước ngoài, từ từ gần đây có những nông trại hay nhà sản xuất họ cũng đã chú trọng vào chất lượng hơn và cải tiến về cách chế biến", chị Trinh so sánh. Trong năm 2022, Pat và Tâm có tới 10 nông hộ cùng hợp tác làm cà phê đặc sản. Hiện nay, để nguồn hàng ổn định hơn, họ thu gọn lại chỉ làm cùng 2 hộ nhưng hợp tác từ đầu vụ đến cuối vụ với diện tích toàn vườn chứ không thu mua nhỏ lẻ.

"Tụi mình đã có hợp đồng xuất đi Nhật trong 3 năm liên tiếp kể từ năm 2023 này. Vì vậy, cần tập trung làm cùng nhau để chất lượng đồng bộ, nhất là kiểm soát việc sử dụng phân hóa học, để không bị ảnh hưởng đến chất lượng kiểm định. Mục tiêu của tụi mình là nhắm tới thị trường Đài Loan, Úc hay châu Âu nếu có lượng hàng cung cấp ổn định hằng năm", chị Trinh nói. (còn tiếp) 

Các giống cà phê được trồng tại hơn 70 quốc gia nhưng chủ yếu là ở khu vực châu Mỹ Latin, Đông Nam Á và châu Phi. Ở một số quốc gia như Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Ethiopia và Honduras, cà phê là mặt hàng xuất khẩu số 1 và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, đồng thời có giá bán cao nhất so với cà phê ở các vùng nguyên liệu khác (theo Mark Pendergrast, tác giả cuốn Hành trình cà phê - Lịch sử thế giới quanh ly cà phê).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.