Gặp nạn ở Trường Sa
Mười năm trước, Bùi Huệ mới 26 tuổi nhưng đã có gần 10 năm ngang dọc Hoàng Sa bằng nghề giã cào. Anh đi bạn (làm thuê) cho một người bà con ở đảo Lý Sơn. Gia đình đến 10 anh chị em, một số anh chị lớn đã lập gia đình và ra riêng, Huệ trở thành trụ cột trong nhà, nuôi những 5 miệng ăn.
|
Nghề giã cào chỉ có thể “cứu đói” chứ không thể làm giàu được, nhất là lại đi bạn thì rất khó để thay đổi hoàn cảnh sống. Đang lúc bí thế, một người bạn ở đảo Lớn rủ: “Hay tụi mình đi theo ông Sáu Cửu ra Trường Sa lặn bắt hải sâm, Huệ hè!?”. Hải sâm là loài hải sản rất có giá thời ấy, mỗi con có thể mua được cả chỉ vàng. Đi một chuyến biển, dù là đi bạn thì cũng kiếm được 3-5 chỉ vàng, thậm chí có những chuyến kiếm được cả cây vàng là chuyện bình thường.
Thế là Huệ lên đường ra Trường Sa. Hôm ấy là ngày 7.11.2001. Một tuần sau, hung tin từ Trường Sa báo về cho ông Bùi Mã và bà Nguyễn Thị Tề - bố và mẹ của Huệ nơi đảo Bé: “Huệ bị đột quỵ sau cú lặn 50 mét nước. Giờ đang trên đường đưa về Đà Nẵng để điều trị”.
Những giấc mơ thường rất khó thành hiện thực nhưng đây lại là giấc mơ có thật trong đời. Tôi cảm ơn tất cả...
|
||
Bùi Huệ |
||
Trên 1.000 thợ lặn ở đảo Lý Sơn, ai cũng hiểu điều này: Đã đột quỵ do lặn biển là coi như tàn đời. Bùi Huệ cũng không thoát được quy luật nghiệt ngã ấy. Lặn ở độ sâu 50-60 mét mà nhô lên khỏi mặt nước một cách đột ngột, áp suất thay đổi nhanh, đột quỵ là chuyện thường xảy ra với những người đi lặn lần đầu như Huệ. Sau hai tháng chữa trị khắp nơi, Huệ đưa tay véo thử đôi chân của mình, đôi chân từng khỏe mạnh là thế, từng theo Huệ ngang dọc Hoàng Sa là thế, giờ không còn có cảm giác đau đớn gì nữa. Anh biết đời mình đã đặt dấu chấm hết từ đây.
Giấc mơ
Ngồi riết trong nhà cũng ngán, Huệ mơ một chiếc xe lăn để có thể tự mình lăn từ nhà ra mép nước rồi nhìn biển mỗi chiều cho đỡ nhớ khơi xa. Một người quen ở đảo Lớn tặng Huệ chiếc xe lăn đã cũ, giờ vẫn còn đang “theo” Huệ hằng ngày. Những con đường đầy cát ở đảo Bé luôn gập ghềnh và nặng nhọc như đời Huệ. Có những hôm, đôi tay khỏe mạnh của một ngư phủ dạn dày vẫn không “khiến” được chiếc xe, nhất là mỗi lần “lăn” qua dốc Đụn.
Hòn Đụn ở đảo Bé với du khách là một thắng cảnh tuyệt vời nhưng với Huệ lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Cả xe và người nằm chổng vó, Huệ chỉ còn biết đợi một ai đó đi ngang qua đường để nhờ họ “cứu”. Mà đường về nhà Huệ nơi cuối đảo Bé cũng chỉ dăm gia đình sinh sống mà thôi, vì thế, có hôm Huệ nằm hàng giờ nơi dốc Đụn mà không có ai cứu giúp.
Huệ lại nuôi một giấc mơ khác: Giá như có hai con chó thật khôn và khỏe mạnh để nó kéo mình qua dốc Đụn? Giấc mơ ấy lớn dần khi người chị cả của anh bên đảo Lớn mang cho chú em trai tật nguyền một con chó. Huệ đặt cho hắn cái tên: Nô. Nô khôn đáo để nhưng một mình nó không thể “gánh vác” được giấc mơ của ông chủ. Thế là Huệ lại nhờ người sang đảo Lớn xin thêm một con cún nữa. Huệ đặt tên cho nó là Phao, với hàm ý nó như một chiếc phao của đời anh. Đúng, cùng với Nô, Phao thành phao cứu sinh của đời Huệ suốt 5 năm qua. Hai chú chó cứ cần mẫn kéo chiếc xe lăn đã cũ mỗi chiều qua dốc Đụn, trước sự ngỡ ngàng đến tê tái của dân làng.
Và rồi, câu chuyện “chó kéo xe” ấy được đưa lên báo, lần này thì Huệ không dám mơ nhưng bạn đọc Báo Thanh Niên đã trao cho Huệ một giấc mơ kỳ diệu mà cả đời anh chưa từng tưởng tới: tặng 40 triệu đồng để sửa lại ngôi nhà và làm vốn để kiếm kế sinh nhai.
Tấm lòng nơi đảo Bé
Hôm nghe thông báo là ngày 26.7.2011 phải có mặt tại Quy Nhơn để nhận 40 triệu đồng, Huệ quá đỗi bất ngờ, mừng đến quýnh quáng. Suốt 10 năm qua, anh chỉ mang một nỗi giày vò: Mình từng là trụ cột trong nhà, giờ bệnh tật, đành ăn bám vào cha mẹ. Cha anh, ông Bùi Mã, nay đã 82 tuổi, mẹ anh, bà Nguyễn Thị Tề, cũng đã 76 tuổi rồi nhưng bà vẫn chưa chịu “nghỉ hưu” đồng áng. Căn nhà mà lúc còn khỏe mạnh, Huệ dành dụm để xây được, giờ cũ nát, nhưng chẳng có cách gì để sửa sang lại. 40 triệu đồng ngay thời điểm này, còn hơn cả một giấc mơ với Huệ.
Nhận được tin báo, Huệ lo âu: “Tật nguyền thế này, lại đò giang cách trở, làm sao mà vô Quy Nhơn để nhận giúp đỡ đây?”. Ban tổ chức đã gỡ bí cho Huệ: “Người nhà nhận thay cũng được, miễn có giấy xác nhận của xã”. Em gái Huệ, chị Bùi Thị Phường nhận trách nhiệm vô Quy Nhơn thay mặt anh để nhận quà. Sắp xếp xong mọi việc, Huệ lại nghĩ: “Chả lẽ mình đi tay không? Mà mang thứ quà gì đây để cho xứng với tấm lòng của người ta?”. Thế rồi anh quyết định, giao việc luôn cho cô em gái: Mang 3 quả dưa hấu và 2 ký ốc đá, quà quê “chánh hiệu” đảo Bé - Lý Sơn!
Có lẽ, Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Bình Định chưa bao giờ được “liên hoan” một bữa quà quê mà ngọt ngào đến thế. Có thể nói, sự mát lành của cả một mùa hè bỏng rát nơi đảo Bé đã dồn hết vô những trái dưa này. Ba ký ốc đá mà Huệ đã mua lại của dân đảo Bé để “vỗ béo” cũng được “xuất chuồng” vào tận Quy Nhơn. Tất cả những người “dự tiệc” hôm đó, kể cả ông Chủ tịch tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, cũng đều xuýt xoa về món quà quê hết sức đặc biệt này. Ai cũng cùng một cảm nghĩ: Sự ngọt ngào không chỉ do chính những món quà quê ấy mang lại mà là ngọt ở tấm lòng chân chất của Huệ và gia đình anh nơi đảo Bé xa xôi.
Bây giờ là lúc Huệ giải bài toán cho giấc mơ của mình: Sửa lại ngôi nhà cũ nát, còn bao nhiêu, anh mua cước về đan lưới rồi bán cho những bạn chài chuyên đánh bắt ven bờ của đảo Lý Sơn. Huệ nói: “Những giấc mơ thường rất khó thành hiện thực nhưng đây lại là giấc mơ có thật trong đời. Tôi cảm ơn tất cả những tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên đã tặng cho tôi giấc mơ hy hữu ấy”.
Trà Sơn
Bình luận (0)