Giấc mơ đại thủy chiến

07/09/2014 03:00 GMT+7

Ra khỏi rạp sau khi xem Đại thủy chiến , bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc tái hiện trận đánh bi tráng trên biển giữa Nhật và Triều Tiên cách đây 400 năm, người bạn đi cùng tôi thở dài: “Chắc tới đời cháu chắt của mình mới được xem trận Bạch Đằng trên màn ảnh lớn quá!”.

Ra khỏi rạp sau khi xem Đại thủy chiến, bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc tái hiện trận đánh bi tráng trên biển giữa Nhật và Triều Tiên cách đây 400 năm, người bạn đi cùng tôi thở dài: “Chắc tới đời cháu chắt của mình mới được xem trận Bạch Đằng trên màn ảnh lớn quá!”.

Nỗi khắc khoải người bạn đặt ra không phải là vô cớ. Chúng ta không hề thiếu tư liệu lịch sử hay, hấp dẫn. Suốt chiều dài giữ nước của dân tộc luôn có những trận thủy chiến ác liệt: trận Ngô Quyền chống quân Nam Hán, trận chiến chống quân Tống trên sông Như Nguyệt thời Lý và trận chiến chống Nguyên - Mông thời Trần trên sông Bạch Đằng…Những trận thủy chiến ấy mãi mãi là niềm tự hào, tạo nên khí phách người Việt khi phải đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh hơn; như cách mà sứ thần Giang Văn Minh dõng dạc đáp trả khi đối diện với sự uy hiếp của hoàng đế nhà Minh: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng thuở trước máu còn loang). Ý tưởng làm phim về một trong những trận thủy chiến ấy có lẽ không ít đạo diễn điện ảnh hay nhà sản xuất VN từng nghĩ tới. Lê Hoàng Hoa, đạo diễn bộ phim kinh điển Ván bài lật ngửa, từng thổ lộ với tôi rằng mong ước cả đời ông là được làm bộ phim về trận Bạch Đằng lịch sử. Tiếc là ông đã ra đi mà chưa bao giờ có cơ hội thực hiện giấc mơ đó.

Làm phim đánh nhau đã khó, đánh nhau trên sông trên biển càng khó gấp trăm lần. Nhưng đó không phải là khó khăn chủ yếu. Bởi về đội ngũ làm phim, có thể nói chúng ta đang có một thế hệ đạo diễn mới, trẻ, được học hành bài bản, có tư duy và kỹ thuật làm phim hiện đại. Về kỹ xảo, chúng ta cũng đã có không ít những bộ phim võ thuật, dã sử được làm với kỹ xảo khá tốt. Cái khó nhất nằm ở chỗ phim thủy chiến nói riêng và phim lịch sử nói chung quá tốn kém so với chi phí trung bình để sản xuất một bộ phim ở ta hiện nay. Xích Bích (bộ phim phá vỡ hàng loạt kỷ lục doanh thu tại thị trường Trung Quốc và tung hoành trên các rạp chiếu VN vài năm trước) tiêu tốn khoảng 80 triệu USD, Đại thủy chiến khiêm tốn hơn cũng gần 15 triệu USD. Ở VN, khi nhiều khâu trong quá trình sản xuất điện ảnh còn chưa được chuyên nghiệp hóa thì chi phí cho một bộ phim lịch sử thủy chiến sẽ không thấp hơn Đại thủy chiến. Tấm gương Thiên mệnh anh hùng - phim dã sử với kinh phí khoảng 25 tỉ đồng làm tốt, khán giả và báo giới đều khen hay, nhưng doanh thu vẫn chưa đủ bù chi phí - có lẽ đã khiến các nhà sản xuất chùn chân.

Ngoài việc thể hiện sinh động, hấp dẫn một trận đánh trên biển, một trong những nguyên nhân chính mà người ta dẫn ra để lý giải cho sự thành công to lớn về doanh thu của Đại thủy chiến (thu 125 triệu USD riêng tại thị trường Hàn Quốc) là “đã khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc” của người Hàn. Đã có 17 triệu lượt người Hàn đi xem Đại thủy chiến; để mãn nhãn với những cảnh đánh nhau trên sông, để rưng rưng với câu nói của vị đô đốc anh hùng: “Mất biển là mất tất cả”. VN đang có một thị trường chiếu bóng tăng trưởng “nóng”, theo nhận định của Hollywood Reporter gần đây. Các thể loại, kỹ thuật điện ảnh mà lâu nay trong nước ít làm, hoặc chưa từng làm, như cổ trang, võ thuật, nhạc kịch, kinh dị, 3D…đều đã lần lượt xuất hiện và không ít phim trong số đó lập nên những kỷ lục về doanh thu trong nước. Người dân cả nước đang một lòng hướng về biển Đông với những hành động thiết thực…Tất cả những điều đó liệu có thể là những gợi mở, động lực đối với các nghệ sĩ và nhà đầu tư cho một dự án phim “đại thủy chiến” Việt, để khán giả không còn phải xem phim nước ngoài rồi ngồi…mơ ước?

Phạm Thu Nga

>> Bao giờ đấu thầu phim lịch sử ?
>> Một phiếu cho phim lịch sử
>> Nhọc nhằn làm phim lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.