Các chuyên gia đã mổ xác một trong 2 cá heo Guyane ở sở thú Münster khi chú ta vừa chết. Trước đó, họ vẫn nhận thấy giống cá heo này có những hốc lông nằm dọc trên phần mỏm nhô ra. Ở những động vật hữu nhũ khác, đây là vị trí của những bộ râu, cơ quan xúc giác cực kỳ quan trọng. Sau khi giải phẫu chi tiết hốc lông, nhóm nghiên cứu không tìm thấy “vết tích” của râu mép mà phát hiện một loại chất nhầy tương tự như ở mỏ của thú mỏ vịt, một loại thú đẻ trứng đặc hữu của châu Úc. Chất nhầy này giúp thú mỏ vịt có hệ thống cảm thụ điện trường rất tinh tế.
|
Để kiểm chứng khám phá mới, các nhà khoa học đã thực hiện 186 thí nghiệm với Paco, chú cá heo Guyane còn lại của sở thú Münster. Đúng như dự đoán, Paco có khả năng cảm nhận được các kích thích điện ở cường độ cực thấp, cùng mức với thú mỏ vịt. Khi nhóm nghiên cứu lấy bao nhựa bao xung quanh các hốc lông ở mõm lại, khả năng này của chú hoàn toàn biến mất.
Cho đến nay, ngoài thú đẻ trứng, cá heo Guyane là động vật hữu nhũ duy nhất mà các nhà khoa học nhận thấy khả năng cảm thụ điện trường. Tuy nhiên, giác quan này lại rất phổ biến ở nhiều loài cá. Chẳng hạn, với thị giác lèm nhèm, cá mập có lẽ sẽ đói meo mốc nếu không cảm nhận được điện trường trong lúc săn mồi. Một số loại cá còn có thể tạo ra điện trường xung quanh mình. Tất cả những “khách không mời” lỡ chạm vào “vùng cấm” đều đánh động gia chủ và bị xác định vị trí ngay lập tức.
Còn về cá heo Guyane, do Paco sống trong môi trường nuôi nhốt nên chưa thể nói chính xác ở môi trường tự nhiên, chúng sử dụng khả năng cảm thụ điện trường như thế nào. Theo nhóm nghiên cứu, do môi trường sống của loài cá heo này là nước đục vì nhiều bùn nên có thể chúng sẽ dùng cảm thụ điện trường để xác định con mồi ở gần và phát sóng siêu âm để dò tìm con mồi ở xa.
Lan Chi
Bình luận (0)