Giải ảo ngành y: Không thành bác sĩ giỏi nếu thiếu 'trung thực, chịu khó'

Quý Hiên
Quý Hiên
02/09/2024 17:43 GMT+7

GS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng nhiều người chọn ngành y vì cái mác 'bác sĩ' đầy hấp dẫn mà không thực hiểu rõ về nghề.

Chỉ học giỏi thôi thì chưa đủ

Trường ĐH Y dược ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-UMP) mới đây đã tổ chức gặp mặt tân sinh viên trước khi các em vào học chính thức. Đây là sáng kiến nhằm giúp tân sinh viên ngành y khoa hiểu nghề, hiểu trường, trước khi bước chân vào hành trình học tập không chỉ 6 năm đại học mà còn nhiều hơn thế, để trở thành bác sĩ trong tương lai.

Giải ảo ngành y: Không thành bác sĩ giỏi nếu thiếu 'trung thực, chịu khó'- Ảnh 1.

Tân sinh viên VNU-UMP làm thủ tục nhập học

ẢNH: TRANG LINH

Tại cuộc gặp mặt, GS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng VNU-UMP, cho biết bác sĩ là một nghề mà người làm nghề không được cho phép mình phạm sai lầm. Bởi, với mỗi sai lầm của bác sĩ, có khi cái giá phải trả là tính mạng của người bệnh.

Bằng trải nghiệm của một bác sĩ được xã hội đánh giá là thành công trong lĩnh vực ngoại khoa (chuyên ngành phẫu thuật tim mạch và lồng ngực), GS Thành muốn gửi gắm đến các tân sinh viên những kinh nghiệm thực tế trên hành trình học tập để trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai. Sinh viên đỗ ngành y đều là những học sinh có kết quả học tập xuất sắc. Nhiều em vẫn duy trì được kết quả học giỏi sau khi đỗ vào ngành y, nhưng học giỏi thôi thì chưa đủ để trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai.

Để trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai, có 6 tiêu chí quan trọng trong suốt quá trình học tập và hành nghề sau này mà tân sinh viên các ngành y dược cần nhớ: trung thực trong quá trình hành nghề; không ngừng học hỏi phấn đấu vươn lên; luôn có ý thức thực hiện tốt y đức trong hành nghề y dược; trau dồi ngoại ngữ và thực hành công nghệ thông tin; rèn luyện thể lực, nuôi dưỡng tâm hồn đẹp.

"Khi chúng ta bước chân vào học trường y dược không có nghĩa là chỉ để học nghề mà các em cần xác định mình sẽ gắn với một cái nghiệp. Cái nghiệp này đòi hỏi các em cần có thiện lương, kiên định và nghị lực. Các em cần xác định rõ mục tiêu, kế hoạch, phương pháp và chăm chỉ học hành. Hãy khai thác tối ưu tiềm năng sẵn có (tuổi trẻ, lòng đam mê, môi trường học thuật tốt cùng với nhiều thầy cô tâm huyết và là những chuyên gia hàng đầu của cả nước). Cần có 4 biết: biết mình, biết người, biết việc, biết điều", GS Lê Ngọc Thành chia sẻ.

Bác sĩ thiếu trung thực thì hệ lụy khôn lường

Chia sẻ thêm với Báo Thanh Niên về những tâm sự của mình với tân sinh viên y dược trong ngày gặp mặt đầu khóa học, GS Lê Ngọc Thành cho biết, những chia sẻ của ông là đúc kết của một bác sĩ nằm trong số ít bác sĩ có con đường học hành thuận lợi (sau khi tốt nghiệp ĐH thì được học tiếp lên bác sĩ nội trú). Những thành công trong chuyên môn của ông không phải nệ vào trí thông minh, sự sáng dạ mà là sự "khổ luyện".

Giải ảo ngành y: Không thành bác sĩ giỏi nếu thiếu 'trung thực, chịu khó'- Ảnh 2.

Theo GS Lê Ngọc Thành, hai yếu tố tiên quyết sinh viên y khoa phải trui rèn nếu muốn trở thành bác sĩ giỏi là trung thực và chịu khó

ẢNH: GIANG NGUYỄN

Không chỉ dựa vào sự trải nghiệm của chính mình, mà từ quan sát chung trong nghề y, GS Thành nhận thấy hai yếu tố tiên quyết mà mỗi sinh viên y khoa phải trui rèn nếu muốn trở thành bác sĩ giỏi: trung thực, chịu khó.

"Một bác sĩ không có đủ hai yếu tố này thì không bao giờ trở thành bác sĩ giỏi. Không có hai yếu tố này thì vô phương, dù xuất phát điểm anh học giỏi thế nào! Cứ ỷ thế tôi là học sinh giỏi, tôi là thủ khoa rồi mà không trui rèn bản tính trung thực khi hành nghề, không khổ luyện thì cũng chẳng làm được gì. Hồi còn làm Giám đốc Bệnh viện E, khi nhận người tôi cũng căn cứ vào hai yếu tố này để xem xét", GS Thành cho biết.

Theo GS Thành, việc đặt ra yếu tố trung thực không phải để khoác cho nghề y cái áo đẹp mà bởi đây thực sự là yêu cầu tối quan trọng với một bác sĩ trong quá trình hành nghề y.

GS Thành giải thích: "Bước chân vào nghề y bước chân vào một hành trình học hỏi suốt đời. Không ai biết hết ngay từ đầu, mà phải học mới biết. Học thầy, học đồng nghiệp, học qua từng ca bệnh. Muốn học được tốt thì phải là có A nói A, đừng có nói thành B hay C. Chỉ lỡ một lần không trung thực thì hậu quả khó lường. Nhất là với những bác sĩ ngoại khoa, công việc hàng ngày là mổ cho bệnh nhân. Trước và sau khi mổ phải thường xuyên theo dõi bệnh nhân. Nhưng nếu báo cáo với thầy là xem rồi, theo dõi rồi, nhưng thực ra chưa xem, thì có khi người bệnh chết lúc nào bác sĩ không biết".

Nghề không được toan tính

Theo GS Lê Ngọc Thành, nhiều học sinh và phụ huynh nhìn vào một số tấm gương bác sĩ thành công rồi ngộ nhận, tưởng cứ đỗ được vào trường y dược là "ngon ăn", mà không ý thức được đây là một nghề rất kén người.

Ông từng chứng kiến một số em được giải nọ giải kia trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, vào trường y với bao kỳ vọng, nhưng đã thất vọng khi học xong chỉ là bác sĩ làm việc ở bệnh viện huyện. Nhiều em đã bỏ dở việc học hành khi nhận ra mình chọn nghề không phù hợp với sở trường.

Giải ảo ngành y: Không thành bác sĩ giỏi nếu thiếu 'trung thực, chịu khó'- Ảnh 3.

GS Lê Ngọc Thành (giữa) chia sẻ với tân sinh viên VNU-UMP trước khi các em chính thức bước vào khóa học

ẢNH: GIANG NGUYỄN

"Tôi tự hào vì là nhân chứng sống của sự thành công nhờ chịu khó. Suốt mấy chục năm nay tôi đi sớm về khuya, chẳng bao giờ so đo hôm nay mình đã quá giờ, dù chẳng ai bắt mình thế cả. Với một bác sĩ ngoại khoa thì bất kể lúc nào trong 24/24 giờ người ta cũng có thể gọi mình. Nửa đêm đang ngủ nhưng có điện thoại là phải dậy đi. Có những lần nhà có khách quý, vừa về đến cổng chưa kịp vào nhà thì có điện thoại, lại tất tưởi quay ngược ra vì có bệnh nhân cần mổ cấp cứu", GS Thành kể.

Theo GS Thành, nghề y rất vất vả, người học chỉ nên chọn học ngành y khi trong tâm tưởng hướng tới điều thiện. Xã hội vẫn nói nghề y là một nghề đặc biệt nên cần sự đãi ngộ đặc biệt, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì chưa được như thế. Nhưng kể cả ở những môi trường có sự đãi ngộ tốt với người làm nghề y thì đây cũng là nghề không "ưu ái" những người nhiều toan tính.

"Nếu anh toan tính làm cái này để được cái kia thì anh sẽ không làm tốt được, bởi đây là nghề muốn làm tốt thì phải tận tâm. Nên tôi vẫn dạy sinh viên và các bác sĩ trẻ rằng anh cứ làm thôi, cứ làm tốt đi. Còn được cái gì hay không thì đó là chuyện khác. Người bác sĩ hành nghề trong thư thái, trong sự tận tâm thì mới đạt hiệu quả khám, chữa bệnh như mong muốn. Giúp được một bệnh nhân, cứu được một sinh mạng, đó là hạnh phúc của người bác sĩ", GS Thành chia sẻ.

GS Lê Ngọc Thành là chuyên gia hàng đầu của cả nước về ngoại khoa chuyên ngành phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, hiện là Chủ tịch Hội đồng ngành y của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Trước khi là Hiệu trưởng VNU-UMP, ông là Giám đốc Bệnh viện E, trước đó nữa là Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Việt Đức. Ông là người có công xây dựng Bệnh viện E trở thành một cơ sở điều trị tim mạch trình độ cao hàng đầu cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.