Ông Steven Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoiana Resort & Golf nhớ lại, những ngày đầu, một trong những khó khăn là nguồn nhân lực phục vụ du lịch cao cấp, như lao động ngành golf mới mẻ tại Việt Nam thiếu cả số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là nhân lực có ngoại ngữ tiếng Hàn, Trung phục vụ khách chơi golf.
Đồng quan điểm, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng chia sẻ thêm, miền Trung phát triển du lịch đã hơn 15 năm nhưng vẫn loay hoay giải bài toán nguồn nhân lực, bởi tốc độ tăng trưởng ngành du lịch quá nóng, dẫn đến lao động vừa thiếu, vừa yếu, nhất là những lĩnh vực mới như golf, đặc biệt hậu Covid-19 càng rút đi một lượng lớn lao động ra khỏi ngành du lịch, nên rất cần thiết phát triển các mô hình doanh nghiệp tham gia đào tạo.
Chủ động về nguồn nhân lực
Do đó, từ cuối năm 2018, Hoiana Resort & Golf đã hợp tác cùng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch tỉnh Quảng Nam thành lập Trung tâm Đào tạo nghề du lịch Quảng Nam - Hoiana (ACT) tại xã Duy Phước. Chương trình đào tạo caddies, bảo trì sân golf, nghiệp vụ nhà hàng, buồng phòng khách sạn cùng nhiều nghiệp vụ du lịch khác. Học viên được Hoiana tài trợ học phí, sinh hoạt phí, trợ cấp đào tạo, bảo hiểm, hỗ trợ học tiếng Anh và tuyển dụng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cho biết, việc Hoiana đầu tư ACT mở ra cơ hội cho lao động địa phương, nhất là giới trẻ "ly nông bất ly hương", chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang du lịch và cải thiện thu nhập ngay tại quê nhà.
Để chủ động nguồn nhân lực, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Hoiana đã tổ chức 3 đợt tuyển dụng lớn, và mở chương trình phỏng vấn trực tiếp vào thứ sáu hằng tuần, để có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu bức thiết về nguồn lao động.
Trong hơn 1 năm qua, Hoiana đã tăng từ 1.300 lên hơn 2.300 nhân sự, với 80% là người Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ngoài ra, hiện nay, Hoiana cũng mở các thêm các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho người lao động hằng tuần, giúp mở rộng khả năng giao tiếp với khách hàng.
Giữ chân và phát triển đội ngũ quản lý tại địa phương
Theo sau việc tuyển dụng, công tác giữ chân người lao động cũng là một nhiệm vụ các doanh nghiệp du lịch luôn quan tâm và cần nhiều sự đầu tư. Hoiana không chỉ thu hút và giữ chân nguồn nhân lực bằng đãi ngộ tốt, bố trí khu ăn nghỉ tiện nghi thoải mái, mà còn luôn thể hiện sự trân trọng và quan tâm tới từng lao động.
Tháng 6 vừa qua, Hoiana đã dành một tuần lễ để tổ chức chương trình cảm ơn nhân viên. "Tuần lễ Tri ân nhân viên Hoiana" là một hoạt động thường niên của công ty để thể hiện sự trân trọng đối với các cán bộ nhân viên, mang đến cơ hội để các thành viên có thể kết nối và phối hợp ăn ý với nhau hơn.
Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng cho mỗi cán bộ luôn cũng là một hoạt động cần thiết. Tại Hoiana, có nhiều nhân sự địa phương không được đào tạo chính quy theo đúng ngành nghề, nhưng sau một thời gian làm việc, thông qua hoạt động đào tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia nước ngoài, họ hoàn toàn có thể tự tin vào chuyên môn và năng lực của mình.
Ly nông bất ly hương
Năm 2019, khi rời TP.HCM về quê ở xã Duy Hải, H.Duy Xuyên, chị Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi) mang theo nhiều lo lắng và có chút buồn tủi. Vì sau 10 năm ly nông, ly hương vào TP.HCM làm thuê, nay chị lại phải loay hoay trở về với ruộng đồng. May mắn nhờ biết ngoại ngữ, võ thuật, chị kiếm được công việc làm nhân viên bảo an tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Hoiana tại ngay gần nhà. Sau 3 năm, chị Thủy đã lên quyền giám sát nhóm bảo an, được đào tạo bài bản các kỹ năng. "Thu nhập giúp tôi vơi gánh nặng gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già, được ở gần nhà, có thời gian chăm sóc con cái, trong 2 năm Covid-19, công ty vẫn đảm bảo công việc" - chị Thủy nói.
Hay như chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (52 tuổi)tại Hội An Chị Dung xuất thân công nhân may, từng đi giữ trẻ nhưng công việc không ổn định. Những ngày đầu vào Hoiana, tiếng Anh chị chưa tốt, gặp khó khăn với hệ thống máy móc phức tạp, nhưng dưới sự hỗ trợ, đào tạo của quản lý, chuyên gia nước ngoài, chị dần thuần thục các thao tác, nắm bắt vận hành công nghệ mới trơn tru và hiện đã phát triển thành Quản lý, phụ trách khu vực đồng phục.
Chuyện chị Thủy, chị Dung cũng là câu chuyện chung mà hàng ngàn lao động địa phương tại Hoiana thấy một phần hình ảnh của mình trong đó.
Những câu chuyện "ly nông bất ly hương" thành công tại Hoiana không phải hiếm. Là một dự án nghỉ dưỡng phức hợp gồm nhiều hạng mục - khách sạn 5 sao quốc tế, sân golf top đầu thế giới cùng nhiều dịch vụ cao cấp phụ trợ khác, Hoiana mở ra cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động trẻ.
"Giá trị lớn nhất Hoiana mong muốn mang lại cho tỉnh Quảng Nam là những đóng góp vào sự phát triển bền vững, không chỉ ưu tiên tạo việc làm cho người dân địa phương mà còn phát triển đội ngũ quản lý tại chỗ, bằng cách tạo ra môi trường làm việc tốt nhất để lao động tự tin, làm chủ công nghệ hiện đại và phát triển bản thân" - ông Steven Wolstenholme nói.
Bình luận (0)