Khi thực hiện tuyến bài phản ánh tín dụng đen, trong đầu tôi luôn có câu hỏi: “Vì sao người nghèo tìm đến nhóm vay lãi nặng?”. Tôi ghi nhận nhiều lý do như: người nghèo cho rằng ngân hàng không quan tâm đến những người như họ; họ chỉ vay khoản nhỏ và thủ tục vay “nóng” nhanh gấp nhiều lần so với vay chính thống… Trong khi đó, các nhóm cho vay lãi nặng ngày càng dùng chiêu trò tinh vi, dẫn dụ người lao động, thách thức pháp luật.
Người lao động cần được tiếp cận những nguồn vay an toàn hơn |
BÍCH NGÂN |
Tôi cũng đặc biệt lưu ý đến câu chuyện lao động nghèo chưa tiếp cận được các khoản vay an toàn, nhất là vay tín dụng vi mô (loại hình dịch vụ tài chính vì mục đích xã hội).
Trả lời phỏng vấn người viết, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP (gọi tắt là CEP, trực thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM), nói thực tế tài chính vi mô tại Việt Nam chưa phát triển mạnh như các nước trên thế giới; hoạt động chủ yếu dưới sự bảo đảm của các hội, đoàn thể. Riêng CEP nhắm tới đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Tính đến cuối năm 2021, có hơn 306.000 khách hàng đang vay vốn với mức vay bình quân 25,2 triệu đồng (mức lãi suất theo dư nợ ban đầu ừ 0,4 - 0,68%/tháng, tùy diện). Đây là con số đáng hoan nghênh vì ít có mô hình nào “chạm tay” được lao động nghèo đến vậy. Tuy nhiên cái khó của CEP vẫn là nguồn vốn còn hạn chế. Đặt giả thuyết rằng hơn 4,7 triệu công nhân, người lao động TP.HCM đều có nhu cầu vay khẩn cấp thì CEP không thể đáp ứng.
Chính vì vậy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vốn các tổ chức tín dụng như CEP, các quỹ phi lợi nhuận của các tổ chức, đoàn thể để đáp ứng nhu cầu của lao động nghèo. Bởi phát triển được tài chính vi mô thì sẽ góp phần vào việc ngăn chặn nạn “tín dụng đen”.
Bình luận (0)