Được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu, với gần 4.000 loại cho công dụng làm thuốc thế nhưng Việt Nam hiện phải nhập nhiều dược liệu từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…
|
Chính vì vậy, chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2020 đã đặt mục tiêu phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.
Theo tiến sĩ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trên thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới; chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng hơn so với việc sử dụng thuốc tân dược. Lý do vì nó ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn.
Những hoạt chất như taxon chữa ung thư được chiết xuất từ thông đỏ; tamiflu chữa cúm từ hồi; vinblastin, vincristin chữa ung thư từ dừa cạn… đã và đang đem lại doanh thu hàng chục tỉ USD mỗi năm trên thế giới.
“Dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai, chứ không phải là nguồn nguyên liệu hóa dược mà chúng ta đang mất nhiều thời gian và công sức để theo đuổi trong nhiều năm qua”, TS Cường nhận định.
Theo ông, nước ta có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, một tiềm năng to lớn về dược liệu (thực vật, động vật, khoáng vật). Trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc, vùng phân bố rộng khắp cả nước. Nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới, như: sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ…
Tuy nhiên việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu đang gặp phải nhiều khó khăn. Việc nuôi trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động.
“Khai thác quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít. Trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên. Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt…”, TS Cường cho biết.
Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây dược liệu theo khuyến cáo của WHO (GACP-WHO) nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp thực hiện. Điều này làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Cụ thể, dược liệu không được sản xuất theo quy trình: trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu; việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tuỳ tiện; thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây.
“Việc chưa có biện pháp quy hoạch được các nguồn dược liệu thành ngành nuôi trồng phát triển, cũng chính là chúng ta đang bỏ lỡ một mũi nhọn rất lớn”, TS Cường nói.
Kết quả đánh giá tại một số vùng cho thấy, nuôi trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào (có thể thu nhập trên 100 triệu đồng/ha). Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển để làm cơ sở trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển dược liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Bình luận (0)