Giải 'cơn khát' room của khối ngoại

29/06/2015 05:46 GMT+7

Nới room cho nhà đầu tư ngoại là một thay đổi lớn được kỳ vọng giải được 'cơn khát' room của thị trường và tạo động lực cho chứng khoán bứt khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay.

Nới room cho nhà đầu tư ngoại là một thay đổi lớn được kỳ vọng giải được “cơn khát” room của thị trường và tạo động lực cho chứng khoán bứt khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay.
Nới room sẽ giải tỏa 'cơn khát' hơn 3 năm nay của khối ngoại - Ảnh: Diệp đức MinhNới room sẽ giải tỏa "cơn khát" hơn 3 năm nay của khối ngoại - Ảnh: Diệp đức Minh
Sau khi có những thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 60 về việc dỡ bỏ các giới hạn trần sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu niêm yết VN (thường gọi là room), ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý quỹ VinaCapital, nhận xét nới room là một thay đổi lớn trên thị trường chứng khoán. Mặc dù thông tin chi tiết của nghị định vẫn đang được hoàn thiện, nhưng ông hy vọng room sẽ tăng từ 49% lên đến 100%, cả với ngoại lệ như lĩnh vực ngân hàng.
Vừa mừng vừa lo
Phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng khoán đã biến động mạnh với giá trị giao dịch tăng đột biến hơn 35%, phản ứng tích cực với tin việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có hiệu lực từ ngày 1.9 tới. Trong đó, khối ngoại có thể sở hữu 100% cổ phần doanh nghiệp đại chúng, nếu không rơi vào các trường hợp đặc biệt và nếu điều lệ doanh nghiệp không quy định giới hạn. Giám đốc đầu tư của một quỹ nước ngoài chia sẻ tâm trạng vừa mừng vừa lo trước chính sách này. Lo là vì tuy Nghị định 60 đã cho tăng tỷ lệ sở hữu, điều mà các NĐTNN đã “khát” từ hơn 3 năm qua. Nhưng mấu chốt ở đây là chưa có danh sách các ngành thuộc và không thuộc diện hạn chế bởi danh sách này còn chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành. Trong khi đó, thị trường còn thiếu văn bản chi tiết về các quy định hiện hành liên quan đến các ngành thuộc diện hạn chế. “Điều này có thể thu hẹp danh mục đầu tư đối với NĐTNN”, ông nói.
Theo ông Andy Ho, có 3 điều mà nhà đầu tư có thể mong chờ từ việc nới room. Thứ nhất, lâu nay thị trường VN bị đánh giá thấp hơn so với các thị trường trong khu vực do thanh khoản thấp hơn. Hiện P/E (hệ số giá cổ phiếu trên thu nhập của cổ phiếu) của VN ở mức 13 lần, thấp hơn 25 - 35% so với khu vực những năm gần đây. Với room được nới rộng, NĐTNN và trong nước đều sẽ đầu tư tích cực tham gia thị trường hơn. Việc này sẽ làm tăng thanh khoản, thu hẹp mức định giá thấp này.
Thứ hai, thị trường với thanh khoản tăng sẽ đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Các lĩnh vực mà nhà nước sẽ vẫn giữ quyền kiểm soát bao gồm ngân hàng, viễn thông, hàng không, doanh nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, với chủ trương giảm một nửa số lượng ngân hàng từ nay đến năm 2017, nhà đầu tư còn nhiều dư địa trong ngành này.
Cuối cùng là phát huy đúng vai trò của một thị trường chứng khoán. Vốn hóa thị trường VN hiện khoảng 60 tỉ USD, khối lượng giao dịch hằng ngày trung bình 100 triệu USD, khối ngoại tham gia ở mức dưới 15% bởi giới hạn sở hữu. Trong khi đó, có 26 công ty niêm yết đã cạn room với tổng vốn hóa hơn 10 tỉ USD, tương đương 17% vốn hóa thị trường. Điều này khiến thị trường chịu tác động lớn của những nhà đầu tư trong nước, với phần lớn vốn dựa vào vay ký quỹ, là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến động thị trường. NĐTNN với sự hiện diện lớn hơn, những bất ổn này sẽ được hạn chế.
Cần dòng tiền mới
Ông Nguyễn Kiên, đại diện Nhóm Công tác thị trường vốn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) cho biết trên báo chí, thị trường chứng khoán hiện tại của VN không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bởi tổng giá trị các doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỉ USD. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần, thị trường sẽ cần 3,75 tỉ USD để hấp thụ hết số cổ phần này. “Nguồn tiền trong nước chắc chắn không đủ, VN cần dòng tiền mới của nước ngoài để mua hết số cổ phần nói trên”, ông nói.
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, vốn ngoại chảy vào hai sàn giao dịch chứng khoán chỉ khoảng 120 triệu USD. Vì vậy, việc nới room có thể thu hút được dòng vốn NĐTNN vào thị trường chứng khoán và doanh nghiệp nhà nước cổ phần.
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, 6 tháng đầu năm số lượng công ty niêm yết mới tăng khoảng 19 công ty, nhưng có 21 công ty bị hủy niêm yết chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện. Sắp tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ triển khai các chính sách tăng thanh khoản cho thị trường, như rút ngắn thời gian thanh toán về T+2, áp dụng một số loại lệnh giao dịch mới và cho phép nhà đầu tư mua bán trong ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.