Cũng không hề khó để lần dò ra những bên liên quan phải chịu trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức cho những công trình kiểu này.
Nhưng sẽ khó hơn rất nhiều, và cũng quan trọng hơn rất nhiều, là chuyện đi tìm giải đáp cho câu hỏi: Tại sao ở một đất nước còn đang vật lộn với rất nhiều khó khăn về nguồn lực để phát triển như Việt Nam chúng ta lại có lắm công trình lãng phí nguồn lực công theo kiểu ném tiền qua cửa sổ như vậy?
Công bằng mà nói, nhiều công trình giờ đây bị chỉ mặt là công trình “làm nghèo” đất nước, nhưng ở giai đoạn xem xét đầu tư thì không ít trong số đó xuất phát từ những ý tưởng đẹp đẽ và những kỳ vọng đầy tâm huyết gắn với chí hướng của các nhà quản lý. Có thể gọi tên thực tế vừa nói là “bẫy kỳ vọng”. Nó hấp dẫn các nhà quản lý quá khao khát tạo biểu tượng thành công cho nhiệm kỳ của mình, nhưng cũng chính nó dễ dàng làm mờ mắt nhà quản lý khiến họ lờ đi những xem xét cần có về hiệu quả đầu tư. Nhà quản lý không thể thiếu khao khát phát triển, nhưng xin đừng vì quá khao khát mà lao theo những quyết định đầu tư thiếu thực tế.
Hãy gọi tên điều đầu tiên mà chúng ta nên sợ hãi, nên tìm cách tránh xa để trong tương lai không phải gặp lại những công trình “làm nghèo” đất nước. Đó là tư duy đầu tư chạy theo những kỳ vọng hão huyền theo kiểu “chủ nghĩa hoành tráng”, bằng mọi giá tạo ra công trình biểu tượng cho nhiệm kỳ của mình mà bất chấp các phân tích cần thiết.
Một khía cạnh khác, nhiều công trình được cân nhắc rất cẩn trọng, không hề cẩu thả khi ra quyết định đầu tư, nhưng cuối cùng lại vẫn lâm cảnh công trình “làm nghèo” đất nước. Nguyên do lại nằm ở một chuyện khác. Công trình được đầu tư rất hoành tráng với mục tiêu khai thác dịch vụ, nhưng không được chuẩn bị về chính sách và đội ngũ nhân lực đủ năng lực để khai thác. Cuối cùng thì lỗi không nằm ở sai lầm về đầu tư, mà nằm ở chỗ yếu kém về năng lực khai thác.
Đầu tư trung tâm hội chợ, triển lãm nhưng đội ngũ làm xúc tiến thương mại, làm marketing, đội ngũ quản lý quá yếu nên không thể biến kỳ vọng thành hiện thực. Có thể gọi thực tế này là “bẫy khai thác”. Đầu tư có thể đúng hướng nhưng không tính đến năng lực khai thác, không đồng bộ giữa khâu đầu tư và khâu tổ chức khai thác công trình.
Và điều thứ ba cần được nói đến, rất đáng quan tâm tiếp theo là làm sao để tìm giải pháp “giải cứu” những công trình “làm nghèo” đất nước này. Chỉ ra những công trình “làm nghèo” đã là cần thiết, nhưng tìm giải pháp để giải cứu những công trình ấy lại càng cần thiết hơn. Nếu không, chúng ta lại tiếp tục đưa sự lãng phí vào một “vòng đời” mới còn đáng chê trách hơn rất nhiều so với vòng đời hình thành ra chúng.
Bình luận (0)