Giải cứu đến bao giờ?

28/04/2017 06:20 GMT+7

Công văn “hỏa tốc” của Bộ trưởng NN-PTNT gửi các địa phương đề nghị “khẩn trương vào cuộc ổn định tình hình chăn nuôi” hôm qua, chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, nó khiến người ta thêm buồn.

Buồn nhiều hơn cả khi chứng kiến những gương mặt thất thần của người nông dân bên đàn heo rớt giá thê thảm mỗi ngày qua. Bởi vì, nó quá giống kịch bản từng có với thị trường dưa hấu, gừng, chuối, thanh long... Cứ hễ rớt giá thì hô lên giải cứu, giải cứu mà thực sự không biết phải thoát ra sự bế tắc đó như thế nào.
Không nói về 5 giải pháp “cấp bách” mà bộ này đề nghị các tỉnh cần thực hiện bởi vì nó quá đúng, quá đủ và quá... sách vở. Nhưng cần phải nói về tư duy điều hành thể hiện qua công văn đề “hỏa tốc” này, để thấy điều thực sự cần giải cứu bây giờ là gì? Đàn heo hay chính là tư duy của nhà quản lý?
Cần nhắc lại, câu chuyện khủng hoảng giá heo không mới. Nó đã bắt đầu từ 1 năm trước. Chính xác là tháng 5.2016, khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua lợn mỡ siêu trọng, khiến người chăn nuôi ở các tỉnh miền Bắc, ĐBSCL rơi vào thế bế tắc, phải bán tháo. Nhưng người chăn nuôi trong nước vẫn ồ ạt vào đàn (vì giá chưa xuống đến mức lỗ, vì nông dân không biết nuôi lợn thì nuôi gì?...). Cho đến tháng 1.2017, giá lợn hơi rớt không phanh xuống 23.000 - 25.000 đồng/kg, Bộ NN-PTNT mới lạnh lùng ra thông báo: đàn lợn trong nước đã vượt 30,5 triệu con. Giá giảm là do cung vượt cầu, nguyên tắc đơn giản ấy ai cũng biết. Nhưng với vai trò quản lý nhà nước thì Bộ NN-PTNT không nên và không thể chỉ dừng ở việc thuộc bài, mà cần phải lý giải tại sao chu kỳ rớt giá của heo nói riêng và nhiều mặt hàng nông sản khác nói chung thường trùng (hoặc phụ thuộc) vào chu kỳ và động thái tiêu cực của nước láng giềng có chung biên giới?
Điệp khúc được mùa rớt giá, ế là do ách tắc tiểu ngạch cần phải được giải quyết bằng các giải pháp trí tuệ và căn cơ hơn.
Trong khi giá heo lâm vào khủng hoảng trầm trọng do tổng đàn tăng cao (theo giải thích của Bộ NN-PTNT), thì thực tế các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, có chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín vẫn tiếp tục đăng ký tăng đàn. Điều đó chứng minh rằng, cách chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ của nông dân ở đa số các địa phương (tự sản xuất con giống, nuôi lớn rồi bán qua thương lái) đã không còn phù hợp với yêu cầu thị trường hiện đại, vốn đòi hỏi cao về nguồn thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn, nguồn gốc rõ ràng.
Cơ cấu, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng là yêu cầu bắt buộc; nhưng người nông dân hay thậm chí cả chính quyền các tỉnh không làm được việc đó. Và đó mới chính là việc của những người hoạch định chính sách quản lý chuyên ngành, chứ không phải là vài cuộc họp, mớ công văn xuất phát từ kiểu tư duy “giải cứu” như thời gian qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.