Giải cứu lòng tin
02/10/2017 06:15 GMT+7
Có thể nói, việc thương lái vào tận lò mổ tiêm thuốc an thần cho heo khiến chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM đang bị vô hiệu hóa.
Tự động phát
Đầu tiên, đây là khu giết mổ lớn nhất, cung cấp một nửa số lượng heo mỗi ngày cho TP.
Chỉ riêng lò mổ này được bố trí mỗi ngày 17 cán bộ thú y kiểm tra giám sát. Ấy thế mà chẳng ai sợ, hàng ngàn con heo vẫn được tiêm thuốc công khai. Vậy cán bộ thú y có vai trò, nhiệm vụ gì ở đây, có hay không sự bắt tay thông đồng của cán bộ thú y? Bởi để phát hiện vụ việc, trước đó các chiến sĩ của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía nam đã nhận được nguồn tin cơ sở. Nghĩa là việc tiêm thuốc chắc chắn đã từng xảy ra. Tới vụ lần này, các chiến sĩ đã mất gần 2 tháng đóng vai người nuôi heo, công nhân vệ sinh..., cuối cùng mới tóm tận tay hành vi của thương lái tiêm thuốc an thần cho heo.
Thứ hai, hành vi tiêm thuốc diễn ra ngay khi TP tuyên bố "100% heo vào TP phải được truy xuất nguồn gốc". Mục tiêu cuối cùng của chương trình này là không để "heo bẩn" lọt vào TP, nhưng nếu heo bị tiêm thuốc ở lò mổ thì việc biết nguồn gốc thực tế không còn ý nghĩa gì.
Thứ ba, theo Quy trình áp dụng đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo thì người chăn nuôi, thương lái, chủ lò mổ và người bán hàng có mã số kích hoạt riêng. Mã số này đăng ký với Sở Công thương TP.HCM. Nhờ đó khi truy xuất ngược, người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý sẽ biết được chủ thể của từng công đoạn. Tuy nhiên ngay công đoạn đầu tiên, người chăn nuôi heo phải đeo vòng và kích hoạt thông tin về trang trại của mình đã bị biến dạng khi hầu hết người nuôi đều "nhờ" thương lái mua và đeo giúp vòng. Thậm chí có nhiều hộ nuôi không đăng ký với Sở Công thương TP.HCM nên thương lái không chỉ mua, đeo giúp mà còn tìm giúp một mã trang trại nào đó nhằm kích hoạt “ké” để đưa heo vào TP.HCM.
Thứ tư, chúng ta luôn nói quy trình "từ chuồng nuôi tới bàn ăn" nhưng quy trình thực tế là "mua đứt - bán đoạn". Heo ra khỏi chuồng là người nuôi hết trách nhiệm, heo vào lò mổ là người vận chuyển phủi tay, ra tới chợ thì việc còn lại là của... người bán. Chẳng thế mà trong vụ hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần nói trên, chủ lò mổ khẳng định chỉ cho thuê chỗ; người nuôi kêu trời vì bị "ảnh hưởng". Tới giờ vẫn chưa biết trách nhiệm của ai.
Cuối cùng, nếu chỉ bị phạt 30 - 35 triệu đồng, heo vẫn được giữ lại nuôi chờ "nhả" hết thuốc rồi lại giết mổ tiếp thì liệu có thể răn đe được những người đã bất chấp sức khỏe của cộng đồng, bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp đạo đức kinh doanh... hay không?
Chúng ta có thể vận động toàn xã hội giải cứu giá heo, giúp người nuôi nhưng sẽ rất khó để "giải cứu lòng tin" của người tiêu dùng nếu vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm lại hổng hầu như toàn bộ quy trình như thế này.
Bình luận (0)