Giải đáp về thiên văn học: Bí ẩn của lỗ trắng có khác lỗ đen vũ trụ?

02/09/2023 19:45 GMT+7

Lỗ đen vũ trụ là thuật ngữ được biết đến nhiều trong thiên văn học. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về lỗ trắng.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), khác với lỗ đen đã được kiểm nghiệm sự tồn tại ít ra là qua các hiệu ứng trực tiếp nó gây ra, lỗ trắng là một đối tượng lý thuyết thuần túy chưa hề được kiểm chứng bởi bất cứ quan sát thực nghiệm nào.

Theo đó, lỗ trắng (white hole) là một khái niệm lý thuyết, có tính đối lập với lỗ đen. Lỗ trắng cũng có một chân trời sự kiện và một điểm kì dị ở trung tâm của nó. Nhưng trong khi lỗ đen chỉ cho vật chất đi qua chân trời sự kiện vào phía trong mà không cho đi ra ngoài thì lỗ trắng lại chỉ giải phóng các bức xạ ra phía ngoài chân trời sự kiện mà không cho chúng đi vào phía trong.

Giải đáp về thiên văn học: Bí ẩn của lỗ trắng có khác lỗ đen vũ trụ? - Ảnh 1.

Lỗ trắng là một đối tượng lý thuyết thuần túy chưa hề được kiểm chứng bởi bất cứ quan sát thực nghiệm nào.

VACA

“Một câu hỏi hay xuất hiện ở đây là như vậy là lỗ trắng chỉ đẩy ra chứ không hút vào, nó có phải một trường hợp phản hấp dẫn (anti-gravity)? Câu trả lời là không. Lỗ trắng cũng có lực hấp dẫn và nó hút mọi thứ về phía nó, có điều tất cả sẽ bị chặn lại và phản xạ ngược lại khi chạm vào chân trời sự kiện của nó”, nhà nghiên cứu thông tin.

Ông Sơn cho biết lỗ trắng là một dự đoán khác dựa trên mô hình của Schwarzschild để cân bằng phương trình trường của Einstein, theo đó thì thông tin biến mất trong lỗ đen có thể được "tuồn" ra ngoài từ lỗ trắng. Lỗ trắng như vậy có thể nằm trong tương lai hay quá khứ của lỗ đen, sự đảo ngược quá trình của lỗ đen hoặc ở một không - thời gian hoàn toàn khác, một vũ trụ khác.

Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cũng nói thêm những vấn đề gặp phải trong mô hình lỗ trắng, thứ nhất là nếu như mô tả, thì nó có thể là quá trình ngược của lỗ đen, tức là nó đi ngược lại theo chiều của các quá trình vật lý. “Chính xác là nó vi phạm định luật thứ hai của nhiệt động lực học, điều này là quá sức vô lý”, ông Sơn nói.

Thứ hai, nếu nó thực sự tồn tại trong vũ trụ của chúng ta thì tốc độ giải phóng vật chất của nó sẽ làm nó biến mất chỉ trong một khoảng thời gian cực ngắn nên chúng ta chẳng có cơ hội nào quan sát thấy một lỗ trắng như dự đoán lý thuyết.

“Một giải pháp cho tình huống này là lỗ trắng không nằm trong vũ trụ hiện nay của chúng ta mà phải ở một vùng không - thời gian khác hoặc một vũ trụ hoàn toàn khác. Vật chất lỗ trắng được cung cấp, sau đó phóng ra bên ngoài có thể đến lỗ đen ở không - thời gian khác qua một đường hầm chạy xuyên suốt không - thời gian hoặc thậm chí xuyên suốt các vũ trụ gọi là các lỗ sâu”, nhà nghiên cứu nêu giả thuyết.

Chân trời sự kiện là biên phía trong của không - thời gian gần một điểm kì dị, tất cả các loại vật chất nếu nằm dưới giới hạn này, kể cả các sóng điện từ (gồm cả ánh sáng) đều không thể vượt ra ngoài để đến với người quan sát.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.