Giai đoạn khó khăn của rock Việt

Tuấn Duy
Tuấn Duy
30/07/2024 06:43 GMT+7

Gần đây, việc show Just Rock bị hủy do lượng vé bán ra không như kỳ vọng đã cho thấy bức tranh ảm đạm của dòng nhạc này ở thị trường trong nước.

Tình thế khó khăn

Vào năm 2020, một ban nhạc rock kỳ cựu đã đăng tải trên mạng xã hội nhận định "Rock Việt đã chết!".

Ở thời điểm đó, chia sẻ này đã nhận về rất nhiều phản ứng trái chiều, phần vì các ban nhạc trẻ như Ngọt, Cá Hồi Hoang, Chillies... vẫn đang hoạt động với lượng người hâm mộ ổn định, phần vì vẫn có những buổi trình diễn thường xuyên tuy quy mô không lớn trong các quán bar, rock cafe hay beer club… Đầu năm nay, concert Just Rock đã diễn ra với sự tham gia của cả những ban nhạc nổi tiếng như Microwave, được yêu thích như 7uppercuts, Chilles cho đến những tên tuổi mới, phần nào cho thấy tình hình không đến mức phải bi quan như thế.

Giai đoạn khó khăn của rock Việt- Ảnh 1.

Microwave bùng cháy trên sân khấu Just Rock vào tháng 3 năm nay

Just Rock

Thế nhưng gần đây liên tiếp những sự việc không vui xảy ra, khiến cho người lạc quan nhất về tương lai của rock Việt cũng phải nhìn nhận lại, từ sự rã đám liên tiếp của những ban nhạc "đời đầu" trong "giới" indie như Cá Hồi Hoang, Ngọt, việc gây xôn xao dư luận về chuyện đời tư của một thành viên trong ban nhạc Mối...; cho đến việc một chương trình lớn như Just Rock buộc phải dừng lại. Theo dự tính, chương trình thứ 2 của thương hiệu này sẽ tổ chức vào tháng 6 ở Phan Thiết (Bình Thuận), nhưng do lượng vé tiêu thụ quá ít, sự kiện đã được dời về TP.HCM vào tháng 7 để thuận tiện hơn cho khán giả thưởng thức, tuy vậy tình trạng nói trên không được cải thiện.

Hẳn nhiên không thể phủ định những yếu tố ngoại cảnh bất khả thay đổi như tình hình kinh tế nói chung, "gu" thưởng thức của khán giả, thời điểm diễn ra không thuận lợi… là một phần lý do, nhưng dường như nội bộ rock Việt cũng đang gặp rất nhiều vấn đề. Phải thừa nhận làm rock ở VN không phải dễ dàng. Thực tế, đây không phải là dòng nhạc hợp thị hiếu số đông như pop, R&B, cộng thêm việc phải hoạt động theo mô hình nhóm khiến thu nhập bị chia nhỏ, nghệ sĩ dễ xung đột, tan rã, trong khi các sản phẩm thường phải tự làm, tự sản xuất... khiến việc bám trụ với nghề cần nhiều nỗ lực.

Chia sẻ với Thanh Niên, Dzung, nghệ sĩ đứng sau album Dzanca tạo được tiếng vang lớn khi phối trộn rock và dân ca, cho biết rock gần như lúc nào cũng khó khăn, vì ngay việc mời cả một ban nhạc trong thời buổi mọi thứ ngày càng phải cắt giảm đã là thách thức, dẫn đến sân chơi cho dòng nhạc này cũng bị hạn chế. Một khi những người chơi rock không có điều kiện sáng tạo và trình diễn âm nhạc, thì độ nhận diện với khán giả cũng như khả năng thu lợi từ việc biểu diễn cũng bị hạn chế, dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn.

Lửa rock âm ỉ

Ở mặt nào đó, bị đào thải khỏi thị trường là điều không thể tránh khỏi đối với những ban nhạc không thể thích nghi với thời cuộc. Nếu thập niên 1970, 1980 khán giả chuộng các giai điệu gai góc, nặng nề cùng lời hát gãy gọn, đánh thẳng vào trọng tâm của metal rock hay heavy rock... thì khán giả ngày nay lại thích những ca khúc nhẹ nhàng và có chiều sâu, làm sao để tuy thưởng thức phong thái tự do của thể loại này, thì vẫn ngẫm được câu chuyện mà người nghệ sĩ muốn kể qua đó. Điều này đã được minh chứng bằng thành công của nhiều nghệ sĩ khi "pha loãng" rock, từ đó tạo được màu sắc rất riêng nhưng cũng đồng thời hợp với xu hướng như Dzung, Ngọt, Cá Hồi Hoang, Chú Cá Lơ, Giấy Gấp...

Giai đoạn khó khăn của rock Việt- Ảnh 2.

Dzung trên sân khấu Hozo 2022

NSCC

Dzung cho biết khái niệm dòng nhạc và biên giới giữa chúng đang ngày càng mơ hồ hơn. Thay vì phân định đây là dòng nhạc nào, khán giả đang quan tâm hơn đến thông điệp cũng như năng lượng mà thông qua ca khúc người nghệ sĩ muốn chia sẻ. Chính sự đa dạng này là "cánh cửa" để tuy còn đó khó khăn, nhưng ngọn lửa yêu rock của những người trẻ vẫn luôn nhen nhóm. Ở show Just Rock vừa qua, nếu được diễn ra, chương trình cũng sẽ có sự góp mặt của 7 ban nhạc trẻ được tuyển chọn từ cuộc thi Just Rock Audition với những phong cách, thể nghiệm mới lạ. Ngọn lửa yêu rock kết hợp với thời đại 4.0 cùng sự hậu thuẫn của nhiều nền tảng streaming khiến việc ra mắt các ca khúc, single, EP, album cũng thuận lợi hơn, phần nào tăng thêm khả năng tiếp cận khán giả của các nghệ sĩ. Vì vậy yếu tố quan trọng nhất vẫn là phải có sự đầu tư cho thể loại này một cách bài bản và có lộ trình, để những ban nhạc thật sự chất lượng có cơ hội cọ xát, tiếp xúc với khán giả của mình.

Điều này có thể nhìn thấy qua 7 mùa Rockstorm hay cuộc thi Rock Việt đã giới thiệu nhiều ban nhạc mới ở thời điểm đó. Just Rock vừa qua cũng là một điển hình khác, cho thấy tâm huyết của những người yêu rock và muốn phát triển nó. Tuy vậy làm được điều đó thì không phải dễ. Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện Ban tổ chức Just Rock cho biết hiện tại năng lực tổ chức còn chưa sẵn sàng nên buộc phải dừng ở thời điểm này.

Theo Dzung: "Trong thời điểm hiện tại, việc nên làm là lắng nghe cuộc sống và nhu cầu của khán giả. Về phía người làm nghệ thuật, mọi người phải thật kiên trì và có niềm tin vào điều bản thân đang làm. Nếu muốn mọi thứ phát triển đi lên, không riêng gì rock hay các dòng nhạc khác, thì âm nhạc nói chung cần phát triển hàng loạt, đồng bộ, khi đó thì mỗi nghệ sĩ sẽ có được nhóm khán giả riêng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.