Sau 3 thập niên thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, VN đã bước vào giai đoạn phát triển mới.
Lĩnh vực giáo dục VN đã có những chuyển biến tích cực - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Theo số liệu Các chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trong giai đoạn 1986 - 2014 của VN là 6,51%, cao hơn đáng kể so với các nước kém phát triển (4,49%), các nước có thu nhập thấp (3,76%), các nước có thu nhập trung bình thấp (4,75%) và của thế giới (2,83%) trong cùng giai đoạn này.
Thành quả từ cải cách
|
|
Theo báo cáo Phát triển con người VN năm 2015 về tăng trưởng bao trùm, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN (VASS) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) hợp tác nghiên cứu, vừa được công bố, đối với chỉ số HDI ở cấp quốc gia trong 35 năm qua, tuy VN có kết quả ấn tượng song không đồng đều và có xu hướng chững lại. So sánh tiến bộ về HDI giữa VN với một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Lào..., thì VN chỉ đứng trên Lào, Ấn Độ, trong khi đó vẫn còn khoảng cách khá xa so với Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan...
Với mức GDP bình quân đầu người 2.054 USD vào năm 2014, VN đã chính thức bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn phát triển dựa chủ yếu vào gia tăng sử dụng nguồn lực sang giai đoạn phát triển chủ yếu dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức cho VN vẫn đan xen nhau và tác động lớn đến tăng trưởng bao trùm trong quá trình chuyển tiếp này vì mục tiêu phát triển con người.
Thách thức đan xen
Theo VASS và UNDP thống nhất, những nền tảng quan trọng về kinh tế, giáo dục, y tế và an sinh xã hội VN đạt được thời gian qua sẽ tạo tiền đề quan trọng để nâng cao tăng trưởng bao trùm lên cấp độ cao hơn, nhằm đẩy mạnh phát triển chỉ số HDI ở VN.
Tuy nhiên, vấn đề tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khoảng 10 năm trở lại đây (bình quân 6,05%), tính chất của nền kinh tế đa tốc độ (các thành phần, lĩnh vực phát triển không đồng đều, mối liên kết yếu...), trợ giúp xã hội còn rất hạn chế đối với những người nghèo nhất, bất cập trong hệ thống quản trị y tế, giáo dục ở tất cả các cấp, nợ công tăng nhanh... đang là thách thức đan xen đối với mục tiêu phát triển chỉ số HDI ở VN.
VASS và UNDP khuyến nghị VN cần có các giải pháp cải cách thể chế và chính sách toàn diện để mở rộng việc làm có năng suất, cải thiện hệ thống dịch vụ giáo dục và y tế, đổi mới hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng vĩ mô ở mức hợp lý; nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh các cải cách song hành cùng nỗ lực tăng cường hội nhập quốc tế (quyết liệt chống tham nhũng, đẩy nhanh sự phát triển của khu vực tư nhân, cải thiện tính hiệu quả và linh hoạt của thị trường lao động...); tăng cường tính kết nối và năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo...
Bình luận (0)