Lùi cải cách tiền lương tới thời điểm thích hợp
Chiều 19.10, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi với báo chí tại họp báo |
Ngọc thắng |
Trả lời câu hỏi của báo chí tại họp báo liên quan tới việc tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét việc lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương sau khi có Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 4 vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết số 27 của T.Ư đã việc chuẩn bị lộ trình cải cách tiền lương, nhưng vừa qua dịch bệnh Covid -19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, nên cần cân nhắc trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ông Cường cho biết, theo dự báo, năm 2021 nếu hết sức cố gắng thì Việt Nam chỉ tăng trưởng trên 3%.
"Như vậy nguồn lực đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn. Cán bộ công chức thì cũng sẵn sàng đồng thuận với việc lùi thời điểm cải cách tiền lương. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XIII đã quyết định lùi thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp", ông Cường.
Theo ông Cường, việc lùi thời điểm cải cách tiền lương tới khi nào thì T.Ư cũng đã giao cho Chính phủ, các cơ quan liên quan và Quốc hội xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
T.Ư cũng xác định nhóm thu nhập thấp thì được ưu tiên trước, theo đó những người có lương hưu trước năm 1995 thì được xem xét trước.
Nhiều tỉnh đề nghị sửa nghị quyết Quốc hội để chi tiền cho chống dịch
Liên quan tới nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh, Hội nghị T.Ư 4 vừa qua đã quyết định lùi cải cách tiền lương đến thời "điểm thích hợp", nghĩa là "không thời hạn".
Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội trả lời báo chí tại họp báo |
Ngọc thắng |
Ông Phong cho biết, thời gian qua, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương như cơ cấu thu chi ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững để có nguồn cải cách tiền lương song so với nhu cầu vẫn chưa đủ.
Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm, tinh giản bộ máy, biên chế song hành tạo điều kiện cho cải cách tiền lương cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Phong, các điều kiện cần thiết để đáp ứng cải cách tiền lương chưa đạt được yêu cầu. Toàn bộ nguồn lực của quốc gia gần như tập trung đầu tư cho phòng chống dịch Covid-19.
Ông Phong cũng thông tin, hiện các địa phương đang đề nghị Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 23 của Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn sử dụng nguồn tiết kiệm để cải cách tiền lương để giải quyết cho phòng chống dịch. Như các tỉnh bằng sông Cửu Long hiện nay đang có người dân trở về quê, họ không có nguồn để chi giải quyết vấn đề này do ngoài dự kiến hoàn toàn và vướng Nghị quyết 23 của Quốc hội nên chưa chi được.
"Chúng ta thấy rằng, cả nước đang “thắt lưng buộc bụng” lo phòng chống dịch chờ cơ hội để phục hồi kinh tế mà giai đoạn này nếu có tiền mà chúng ta tăng lương thì thì cũng chưa phù hợp", ông Phong nói, và cho rằng việc T.Ư chỉ đạo lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp.
"Sắp tới làm theo lộ trình nào, căn cứ theo mức lương cơ bản hay mức sống tối thiểu, các mức chênh lệch của khoảng cách về tiền lương chắc chắn Chính phủ sẽ trình trong điều kiện ngân sách, nguồn lực cho phép", ông Phong nói thêm.
Bình luận (0)