Bảo tàng Quảng Nam vừa phối hợp Bảo tàng Nhân học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức khai quật khẩn cấp tháp Dương Bi nằm sau chánh điện chùa Trà Sơn (thuộc xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) kể từ ngày 9.5. Kết thúc đợt khai quật đầu tiên, ngày 22.5, Sở VH-TT-DL, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức buổi báo cáo sơ bộ về kết quả khai quật khảo cổ.
"Cấu trúc điển hình" của khu đền tháp Champa
|
Dựa trên các dấu vết còn lại, nhóm khảo cổ đã đào 3 hố trong khuôn viên chùa Trà Sơn và tiếp tục phát lộ, thu thập nhiều hiện vật. Các nhà nghiên cứu khảo cổ học nhận định, ở phần trung tâm của tháp có mặt bằng hình vuông, kích thước 8,2 m; 3 mặt bắc, nam và tây có cửa giả nhô ra ngoài. Tháp được xây bằng gạch, phần mặt tường chọn gạch xây có độ nung cao hơn so với các vị trí khác. Các cấu kiện còn lại và những mảng hoa văn trang trí khá cầu kỳ. Ở một số cột áp trụ còn lại, phần chân trụ có cấu trúc nhiều cấp được chạm khắc cánh sen nhiều lớp...
Theo kết quả khai quật khẩn cấp và điều tra tại tháp Dương Bi, bước đầu các chuyên gia nhận thức rõ cấu trúc, quy mô, tính chất và diễn biến niên đại của khu tháp. Khu đền tháp được dự đoán có cấu trúc điển hình của một khu đền tháp Champa với nền móng tháp xuất lộ bao gồm tháp chính (kalan chính), có kalan phụ; bao quanh và giới hạn khu đền tháp là 2 lớp tường bao. Cấu trúc và các di vật cho thấy đây là khu thờ phụng các vị thần Hindu giáo với bộ ngẫu tượng linga - yoni đặt ở trung tâm chính điện. Các nhà khảo cổ còn dự đoán niên đại xuất hiện của tháp Dương Bi tương đương với Phật viện Đồng Dương (ở H.Thăng Bình, Quảng Nam), vào thế kỷ thứ 9.
Các hiện vật sứ men trắng vẽ lam của lò Cảnh Đức Trấn niên đại thế kỷ 17, đồ sành thế kỷ 17 - 18 được thu lượm khá nhiều trong đợt khai quật lần này. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, có lẽ sau khi thiết lập dinh trấn Quảng Nam không lâu, người Việt đã đến đây cư ngụ và xây dựng chùa Việt trong khu đền tháp Dương Bi.
Sớm lập hồ sơ di tích
Các nhà khảo cổ cho rằng, kết quả khai quật đã cung cấp những bằng chứng quan trọng về cấu trúc, quy mô và bước đầu nhận diện lịch sử của di tích và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể.
|
Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất bảo tồn di tích tháp Dương Bi theo hướng dựng nhà mái che; xử lý bảo tồn và biến không gian của kalan chính thành nơi thực hiện các nghi lễ Phật giáo bằng cách khôi phục các hoạt động lễ nghi Phật giáo như đã từng được thực hiện tại đây từ khi chùa Việt được xây dựng. Hệ thống đường dạo bao quanh tháp cũng cần xây dựng... Giải pháp này đáp ứng 2 yêu cầu căn bản: bảo tồn di tích, phát huy các giá trị của di tích trong cộng đồng.
GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, cho biết di tích tháp Dương Bi còn là minh chứng sống động phản ánh quá trình lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của các nhóm cộng đồng cư dân từng cư trú tại đây, minh chứng thú vị cho quá trình giao thoa, biến đổi và kế thừa văn hóa Chăm - Việt. Giới chuyên môn đã tìm thấy dấu vết kiến trúc “miếu thần nông” của người Việt sử dụng lại các loại gạch Chăm cũng như nhiều loại hình di vật khác nhau, từ ngói cong bản rộng, đồ gốm men. Đặc biệt, có đến 14 "ông đầu rau" có hình lưỡi liềm được tạo bằng đá muối...
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam), khẳng định: “Di tích Dương Bi không chỉ chứa đựng trong nó một khu đền tháp Chăm mà còn phản ánh quá trình khai mở vùng đất dinh trấn Quảng Nam. Do đó, cần sớm xây dựng và lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với di tích này”.
Bình luận (0)