Nghiên cứu mới nhất cho thấy tâm trí con người có 2 hệ thống đạo đức song song và không phải lúc nào chúng cũng thỏa hiệp với nhau.
Trong một thí nghiệm, những người tham gia đối mặt với tình huống: một toa xe điện “điên” sắp giết chết 5 người trên đường ray. Họ phải quyết định để có chuyển hướng vào một đường ray thứ hai chỉ có 1 người trên đó hay không. Hầu hết mọi người đều chuyển hướng, chấp nhận hy sinh 1 người để cứu 5 người. Nhưng phần lớn đều do dự trước một phương án khác, đó là phải đẩy 1 người vào đường ray để chặn toa xe lại. Điều đó cho thấy hầu hết chúng ta có một quy tắc nghiêm ngặt chống lại việc giết người trực tiếp, ngay cả vì lợi ích cao hơn.
Chuyên gia Robert Kurzban thuộc Đại học Pennsylvania ở Philadelphia (Mỹ) cùng cộng sự thử nghiệm các biến thể của tình huống “đẩy người”. 85% số tình nguyện viên cho biết, về mặt đạo đức, thật sai trái khi đẩy 1 người vào chỗ chết (bất kể họ là anh em hay người lạ) để cứu 5 người. Điều này xác nhận ý kiến rằng có một quy tắc cơ bản chống lại sự giết chóc.
Tuy nhiên, mặc dù nghĩ là sai nhưng 28% tình nguyện viên cho biết họ vẫn sẽ đẩy 1 người lạ để cứu 5 người. Còn 47% cho biết họ sẽ đẩy 1 người anh em để cứu mạng 5 người anh em khác. Điều này khẳng định lựa chọn họ hàng vẫn có hiệu lực như quy tắc đạo đức cơ bản chống lại sự giết chóc.
Thử nghiệm này cho thấy chúng ta có ít nhất 2 hệ thống song song để quyết định đúng - sai: một cho rằng một số hành động, chẳng hạn như giết người; còn hệ thống còn lại nhắc nhở chúng ta phải bảo vệ thân nhân. Đồng tác giả Peter DeScioli thuộc Đại học Brandeis ở Waltham, bang Massachusetts (Mỹ), nói rằng sự gắn kết xã hội đòi hỏi chúng ta phải có những quy tắc, bất kể chúng là gì cũng đều giúp giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng và hòa bình.
Trùng Quang
Bình luận (0)