Giải mã cội nguồn của tình yêu

16/02/2012 03:30 GMT+7

Khác với nhiều người vẫn nghĩ, chính bộ não chứ không phải trái tim đóng vai trò chủ chốt khiến một người đem lòng yêu một người khác.

Khác với nhiều người vẫn nghĩ, chính bộ não chứ không phải trái tim đóng vai trò chủ chốt khiến một người đem lòng yêu một người khác.

Rơi vào lưới tình có thể tạo nên tác động dữ dội đối với cơ thể một người. Tim họ đập nhanh, ruột gan có cảm giác như bị xoắn lại, còn đầu óc rơi vào cơn xoáy cảm xúc như họ đang đi trên tàu lượn siêu tốc. Họ có thể cảm thấy vô cùng hạnh phúc trong một phút trước đó, nhưng giây phút sau lại lo lắng đứng ngồi không yên, và thậm chí như bị rơi xuống vực thẳm. Và tất cả những trạng thái vừa căng thẳng vừa ngọt ngào đó đều xuất phát từ bộ não chứ không phải do quả tim quyết định.

Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đọc hình ảnh điện não đồ của 10 phụ nữ và 7 đàn ông, những người tuyên bố họ đang say sưa đắm đuối trong tình yêu. Quá trình yêu đương của họ kéo dài từ 1 tháng đến chưa đầy 2 năm. Những người tham gia được xem hình của người yêu và ảnh của một người có bề ngoài tương tự. Não của các đối tượng phản ứng mạnh trước hình ảnh người đang lấp đầy con tim họ, sản sinh ra những cảm xúc tại những khu vực não thường liên quan đến các động cơ và phần thưởng. “Bộ não của người đang trải qua cuộc tình mãnh liệt sử dụng chung hệ thống của não vốn thường chỉ được kích hoạt ở một người nghiện ma túy”, CBS News dẫn đồng tác giả của nghiên cứu là Arthur Aron, chuyên gia tâm lý học tại Đại học New York. Điều đó có nghĩa là bạn bắt đầu khao khát người mình yêu giống như con nghiện đang thiếu thuốc.

 
Tình yêu là một trong những cảm xúc mãnh liệt nhất của con người - Ảnh: satmasti.com

Các chuyên gia cho hay tình yêu lãng mạn là một trong những cảm xúc mãnh liệt nhất mà con người có thể có được. Não người đã được lập trình để chọn lựa đối tượng yêu đương, và chúng ta sở hữu động lực dữ dội nhằm chiếm được trái tim người mà mình yêu. Điều này giải thích tại sao một số người cố gắng hết mức làm những việc tưởng chừng như không tưởng, hoặc kẻ ngốc mới dám làm, để giành được sự chú ý và yêu thương từ người đó. “Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc khi đang chìm đắm trong tình yêu, nhưng bạn cũng có thể lâm vào tình trạng bất an”, theo đồng nghiệp của chuyên gia Aron là Lucy Brown, nhà khoa học thần kinh thuộc Đại học Y Albert Einstein ở New York. “Người ấy trở thành một mục tiêu trong cuộc sống”, và đặc biệt hơn nữa là phần thưởng, theo chuyên gia Brown. Động lực tiếp cận đối tượng tình ái tương lai có thể còn mạnh hơn cả động lực có được quan hệ tình dục, theo phát hiện của các chuyên gia Mỹ.

Thế nhưng, khi giành được trái tim của người mình yêu, liệu cảm giác đó có tan biến dần theo năm tháng? Có thể hoàn toàn không phải như vậy. Trong một cuộc nghiên cứu khác, chuyên gia Aron và đồng sự phân tích kết quả quét MRI của một nhóm người đã trải qua cuộc hôn nhân khoảng 21 năm, và họ khẳng định tình yêu vẫn còn nguyên đó. Đối với đa số, mô hình tiêu chuẩn là một tình yêu dù say đắm cách mấy vẫn sẽ dần nguôi ngoai, nhưng sự gắn kết giữa 2 người lại tăng lên theo năm tháng. Mối gắn kết đó cho phép 2 người chung sống lâu dài với nhau và sinh con đẻ cái. “Hầu hết các loài động vật có vú không nuôi con chung, nhưng con người thì có”, Aron nói. Dù vậy, điều đáng buồn là tình yêu thay đổi theo thời gian, một phần do mối quan hệ bền vững khiến người trong cuộc an tâm hơn với bạn tình, không còn lo sợ đối tượng sẽ rời xa, nên cảm giác cồn cào như “đói thuốc” sẽ không xuất hiện như buổi đầu tiên của cuộc tình.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.