Giải mã đầu tư vào duyên hải miền Trung

22/03/2013 03:20 GMT+7

Vùng duyên hải miền Trung với chiều dài 1.430 km, chiếm 43,8% bờ biển cả nước, sở hữu nhiều bãi biển, vịnh đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch và các ngành công nghiệp. Nhưng nghịch lý là, rất ít nhà đầu tư quan tâm...

Giải mã đầu tư vào duyên hải miền Trung
Nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Nam - Ảnh: Hữu Trà

Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM kiêm Phó trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung phân tích tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào duyên hải miền Trung diễn ra vào sáng qua (21.3) tại Đà Nẵng, bên cạnh yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên, vùng này là địa bàn chịu sự tác động dữ dội của mưa, bão, lũ, đất đai không phì nhiêu, không có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng chưa liên kết, chưa cho thấy thế mạnh rõ ràng, cụ thể của từng địa phương mình là cái gì. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Hiện nay, vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác bền chặt trong hoạt động du lịch giữa các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch ở vùng duyên hải miền Trung để tạo nên hình ảnh thống nhất cho toàn vùng".

Không để chết chùm

 

Lo chảy máu chất xám

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, tình trạng chảy máu chất xám vẫn diễn ra phổ biến ở các tỉnh duyên hải miền Trung, khi có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đã vào miền Nam làm việc, nhiều chuyên gia giỏi người miền Trung làm việc tại các thành phố lớn không muốn quay về miền Trung. Theo thống kê, có tới 60% sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vào miền Nam tìm việc. Lý do, được ông Nam đưa ra là do chất lượng đào tạo, kinh tế miền Trung phát triển chậm nên sinh viên ra trường khó tìm việc, thu nhập bình quân tại miền Trung cũng thấp hơn nhiều nơi...

Ông Don Lam, đồng sáng lập VinaCapital cho rằng, hiện vùng duyên hải miền Trung cần xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phải coi ngành du lịch như “xuất khẩu tại chỗ”. Để làm được điều này, cần có chính sách thông thoáng trong việc cấp visa cho du khách và đặc biệt là tại các sân bay trong vùng phải mở thật nhiều chuyến bay trực tiếp để thu hút khách. Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, ông Maxim Golikov đề xuất giới thiệu rộng rãi thông tin về đầu tư vào vùng duyên hải miền Trung đến các doanh nhân Nga. Các doanh nhân Nhật Bản thì lo lắng về chính sách ưu đãi đầu tư cũng như hạ tầng giao thông. Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, khẳng định từ nay đến năm 2015 sẽ dành nguồn vốn 10.000 tỉ đồng/năm để cung ứng cho các tỉnh, thành trong vùng duyên hải miền Trung. Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà cũng cam kết thu xếp đủ vốn để mở rộng QL1 từ Thừa Thiên-Huế - Bình Thuận từ nay đến năm 2016.

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, Trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung cho rằng, hiện tại vùng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, cần giải quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho vùng, nhất là trong việc mời gọi, xúc tiến đầu tư. Cũng theo ông Thanh, một không gian kinh tế thống nhất giữa các địa phương trong vùng đã hình thành, bước đầu tạo sự liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.