Giải mã gen Z: Môi trường làm việc lý tưởng?

Thanh Nam
Thanh Nam
22/02/2023 06:00 GMT+7

Lương, thưởng hay chế độ đãi ngộ chẳng phải là yếu tố tiên quyết của gen Z trong việc lựa chọn công việc. Với thế hệ này, môi trường làm việc lý tưởng mới là yếu tố quan trọng "níu chân" họ gắn bó dài lâu.

Gen Z mong sếp…

Đỗ Quỳnh Anh (24 tuổi), làm việc tại Công ty Zitahima, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho rằng so với những thế hệ khác, gen Z khá cá tính, dám nghĩ, dám làm. Chính vì thế, Quỳnh Anh chia sẻ: "Mình mong được làm việc ở nơi nào đó tôn trọng cá tính để gen Z được là gen Z. Bên cạnh đó, mình muốn có cơ hội được học hỏi để trau dồi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm làm việc. Ngoài ra, mình cũng muốn có thể được nói lên chính kiến, quan điểm cá nhân, đề xuất những điều cảm thấy có lợi cho công ty. Mình từng làm ở hai công ty, nhưng thiếu đi những yếu tố ấy nên mình đã nghỉ việc. May sao công ty hiện tại đáp ứng được những điều đó".

Quỳnh Anh chia sẻ thêm cô cảm thấy hạnh phúc trong công việc khi có "người sếp điểm 10 tuyệt đối".

"Còn nhớ ngày đầu đi làm, sếp nhiệt tình giúp đỡ giống như một người chị chỉ dẫn đứa em gái chứ không phải là mối quan hệ của người quản lý và nhân viên. Điều đó làm mình thấy sự gần gũi. Sếp cũng luôn hỏi thăm, động viên nhân viên về những khó khăn trở ngại, cuộc sống gia đình. Chính sự tương tác ấy cho mình có cảm giác được hỗ trợ về cảm xúc ở nơi làm việc, giúp mình nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn, tạo năng suất làm việc hiệu quả hơn. Ở nơi làm việc hiện tại, mình luôn mạnh dạn nói ra quan điểm của mình và được sếp lắng nghe, ghi nhận", Quỳnh Anh kể.

Giải mã gen Z: Môi trường làm việc lý tưởng? - Ảnh 1.

Gen Z khi đi xin việc rất chú ý và coi trọng môi trường làm việc

Lê Thanh

Nguyễn Đăng Viễn (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: "Không có gì tuyệt vời hơn khi sếp là người quan tâm đến nhân viên, không khiến nhân viên cảm thấy áp lực, tạo nhiều điều kiện để nhân viên làm việc với tâm thế thoải mái nhất có thể".

Hà Duy Khánh (25 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH thương mại An Bình, Q.8, TP.HCM, nói rằng: "Từ khi bắt đầu tham gia thị trường lao động, mình luôn kỳ vọng vào một môi trường làm việc lý tưởng, mà điều quan trọng nhất là... sếp. Sẽ rất hạnh phúc nếu như sếp linh hoạt trong tư duy quản lý, chứ không đóng khung trong khuôn khổ cứng nhắc với tư duy kiểu cũ là áp đặt nhân viên, giám sát liên tục, quản lý khắt khe, mặc định rằng "cái gì sếp cũng đúng". Thay vào đó, mong lãnh đạo công ty sẽ cởi mở, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân viên".

Mong mỗi ngày đi làm đều là ngày vui

Từng làm việc tại một công ty bất động sản trên đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú, TP.HCM), Đỗ Phan Quang (24 tuổi), quê ở H.Chợ Gạo, Tiền Giang, đã có những trải nghiệm... đáng quên.

"Công ty cũ có cơ sở vật chất xuống cấp. Không gian làm việc xập xệ và ẩm thấp. Mỗi ngày đi làm, mình và nhiều đồng nghiệp cảm thấy chán chường và rất nản. Mình đang ứng tuyển vào những công ty biết chăm chút, đầu tư vào không gian làm việc hiện đại. Một nơi làm việc có thiết kế đẹp mắt, có không gian giải trí, nghỉ ngơi vào giờ trưa sẽ có thêm điểm cộng", Quang nói.

Quang cũng kỳ vọng: "Mong sao công ty có nhiều gen Z trạc tuổi để dễ "hiểu tính, hiểu nết", thoải mái trao đổi mọi điều với nhau. Chứ trong một công ty, gen Z chỉ là thiểu số thì dễ dẫn đến những khác biệt, mâu thuẫn. Khi đó, cách ứng xử, giao tiếp giữa gen Z và các thế hệ khác cũng khó "khớp" nhau".

Trần Vũ Tiến (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết muốn có môi trường làm việc mà ở đó tất cả nhân viên đoàn kết, đồng lòng dốc sức hỗ trợ nhau, luôn đặt lợi ích chung của công ty lên hàng đầu.

"Sẽ là hoàn hảo nếu như ở công ty ai nấy đều làm việc một cách chuyên nghiệp, sáng tạo và hết mình, cạnh tranh công bằng để phấn đấu trở thành phiên bản tốt nhất của mỗi người và cùng giúp nhau phát triển", Tiến chia sẻ.

Chị Nguyễn Vũ Quỳnh Như (32 tuổi), phụ trách nhân sự của công ty chuyên lĩnh vực agency ở số 49 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, cho rằng gen Z đang tạo nên làn sóng nguồn nhân lực trẻ gia nhập vào thị trường lao động. Để có thể tạo được thiện cảm, thuyết phục được gen Z đến ứng cử và ở lại làm việc tại công ty không phải là điều đơn giản.

"Theo như chia sẻ của các ứng viên gen Z tôi từng phỏng vấn, các bạn mong đợi rất nhiều từ công ty. Một mức lương chấp nhận được để họ có thể sống được. Những chế độ phúc lợi, đãi ngộ phải cạnh tranh so với những công ty khác. Có môi trường làm việc linh hoạt, có thể cho phép họ làm việc từ xa chứ không gò bó về không gian cũng như quá cứng nhắc về mặt thời gian. Họ đề xuất không ràng buộc phải làm mỗi ngày đúng 8 tiếng đồng hồ...", chị Như cho biết.

Chị Như nói thêm: "Nếu như các doanh nghiệp "lạc tay lái" trong việc nắm bắt tâm tư, mong mỏi, nguyện vọng của gen Z, cũng như không thể thích ứng với thế hệ này thì sẽ tự hạn chế đi cơ hội tuyển dụng những ứng viên tiềm năng là lực lượng lao động cốt yếu trong tương lai". (còn tiếp) 

"Mình không nộp đơn ứng tuyển vào các công ty có tên tuổi, danh tiếng hay có quy mô tầm cỡ. Mình muốn được làm việc ở công ty có văn hóa lành mạnh, tích cực. Một công ty có trách nhiệm xã hội với những hoạt động hỗ trợ cộng đồng, làm từ thiện thì càng thu hút những gen Z như mình".

Hoàng Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM

"Mình bị thu hút bởi những công ty có môi trường làm việc linh hoạt cũng như đề cao và tận dụng tối đa công nghệ để tối ưu công việc. Có thể kể như thay vì họp theo kiểu truyền thống thì họp trực tuyến. Thay vì gặp mặt mới trao đổi công việc thì hãy sử dụng Viber, Zalo... Làm việc nhóm cũng dựa trên nền tảng quản lý công việc trực tuyến. Có như vậy sẽ giải quyết công việc một cách tiện lợi và dễ dàng".

Nguyễn Thị Vi Na, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.