Giãi mã gien “tám”ở phụ nữ

22/11/2008 20:57 GMT+7

Phụ nữ thường có thói quen thích trò chuyện nhiều với nhau. Dưới góc độ khoa học, đây là cách phái yếu xây dựng mối quan hệ gần gũi, có ý nghĩa sống còn với thế hệ tương lai của họ.

Thông tấn xã con vịt cồ

Ông bà ta có câu “hai bà và 1 con vịt là thành cái chợ”, huống chi đại gia đình nhà kia có đến 5 chị em ruột, 3 chị em họ hàng ở sát nhau, chưa kể “cả mớ” cháu gái xinh xẻo từ 20 đến 30 tuổi. Nói không ngoa chứ thời điểm hạnh phúc nhất trong ngày của cánh phụ nữ nhà đó là được tụ tập với nhau. Mỗi ngày 2 lần, các bà lại tổ chức họp mặt, trưa từ 12 giờ đến 1 giờ rưỡi, tối từ 9 giờ đến 10 giờ rưỡi, không lần nào dưới 5 thành viên, có bữa đông gần 20 người, đó là khi mấy đứa trẻ cũng hào hứng góp mặt, hoặc khi mấy đứa con trai kéo bạn gái về góp vui. Thành viên “không thường trực” vắng mặt chẳng sao, chứ nếu thành viên “thường trực” không ló dạng kịp lúc thì lập tức nhận cuộc gọi triệu tập trực tiếp từ “ban quản trị”. Nội dung “buổi họp” cũng rất vô chừng: lúc thời sự nóng bỏng, khi bếp núc, áo cơm. Từ chuyện ông Obama lên làm Tổng thống Mỹ đến chuyện ông Putin bên Nga có con chó đẹp, hoặc chuyện chợ búa hằng ngày, rau lên gạo xuống... đều là đề tài sôi nổi râm ran. Bữa nào hết đề tài, cũng họa hoằn lắm, thì các bà lại kiếm chuyện gì đó tranh luận, rồi cãi nhau, rồi giận nhau mất mấy ngày cho đến khi một bà kiếm được “chuyên gia” đủ thẩm quyền giải thích cho ra đầu ra đũa. Cánh đàn ông trong nhà thường cười mát: mấy bà này nhiều chuyện! Rồi họ kết luận xanh rờn: “Phụ nữ ai chẳng vậy”.

Giải “oan”

Từ lâu, phụ nữ luôn được tiếng là hay mau mồm nhanh miệng. Mọi chuyện trên đời nếu lọt vào tầm ngắm của phái yếu thường sẽ được phân tích kỹ càng đến từng chi tiết và lan truyền với tốc độ nhanh đến khó tin. Biệt danh “bà tám” ra đời là dùng để chỉ cô nàng nào hay ngồi lê đôi mách, chuyên buôn dưa lê dưa chuột. Không ít chị em cảm thấy... oan ức khi luôn phải gánh trên vai tiếng xấu là thuộc giới ba hoa, nói nhiều. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới của Đại học Rehampton (Anh) đã tìm ra lời giải thích cho đặc tính cố hữu của phái đẹp. Sau khi theo dõi bầy khỉ gồm 16 con cái và 8 con đực tại đảo Cayo Santiago ngoài khơi Puerto Rico trong 3 tháng, các nhà khoa học phát hiện các nàng khỉ phát ra những tiếng kêu thân thiện nhiều gấp 13 lần so với các chàng khỉ trong bầy. Khỉ cái cũng “nói chuyện” với nhau nhiều hơn so với khỉ đực. Lý do của sự khác biệt này là khỉ cái xây dựng được mối quan hệ lâu dài, bền vững với nhau. Chúng sống trong cùng một đàn suốt đời và nhờ cậy các “chị, em” trông nom con cái. Phát hiện trên khẳng định lý thuyết ngôn ngữ được phát triển từ nhu cầu xây dựng các mối ràng buộc xã hội và phụ nữ có nhu cầu tạo dựng những mối quan hệ gần gũi hơn đàn ông.

Báo Scotsman dẫn lời chuyên gia tâm lý về quan hệ Julia Armstrong cho biết bà không ngạc nhiên về khuynh hướng trên. “Phụ nữ muốn có sự nối kết. Mọi chuyện luôn như vậy”, bà nói. Những cuộc nghiên cứu trước cũng cho thấy các bé gái thường dễ xây dựng sự ràng buộc với nhau từ rất sớm, bằng cách tìm kiếm những sự kết nối bằng mắt nhanh hơn bé trai. Và đừng tưởng chỉ có phụ nữ mới thích tán chuyện. Cánh đàn ông cũng thường ngồi lê đôi mách, nhưng không giống như cách phụ nữ thể hiện. Bà Armstrong khẳng định phái mạnh thường nói chuyện nhiều khi họ cùng xem đá bóng hoặc ngồi chung bàn nhậu. Câu chuyện cứ nổ như bắp rang khi có hơi men và nhiều ông có thể ngồi đồng từ sáng đến khuya - miễn sao còn bia, rượu trong ly. Phái yếu thì khác. Chỉ cần ngồi nói chuyện với nhau là họ đủ vui vẻ, không cần phải hao tiền tốn bạc. Thực chất buôn chuyện không xấu, chỉ trừ những trường hợp “đâm bị thóc chọc bị gạo” mới cần phải lên án mà thôi. 

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.