Giải mã hình tượng hoa và chiến binh trên thạp gốm thời Trần

31/03/2024 07:15 GMT+7

Đó là trang trí trên một chiếc thạp gốm đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Thạp thuộc dòng gốm hoa nâu, được xác định niên đại vào thời Trần (1225 - 1400). Trên bề mặt được trang trí hoa văn là hoa lá và người gần như phủ kín.

Qua xem xét và đối chiếu với rất nhiều thạp gốm ở thời Lý - Trần được phát hiện và đã đăng trong các ấn phẩm: Gốm hoa nâu Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử VN phát hành, 2005), 2000 năm gốm Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử VN phát hành, 2005), Cổ vật Thăng Long - Hà Nội (Sở VH-TT-DL Hà Nội phát hành, 2010)…, cho thấy đây là chiếc thạp có đồ án trang trí rất đặc biệt, với nội dung không đơn thuần chỉ là hoa và người. Trang trí được chia làm hai phần: ở vai và ở thân thạp.

Giải mã hình tượng hoa và chiến binh trên thạp gốm thời Trần- Ảnh 1.

Thạp gốm thời Trần

Ảnh: Nguyễn Phong

Phần vai: Phía trên là hàng cánh sen nổi, ở dưới là các quai và được điểm xen kẽ là các hình tròn đồng tâm, một dạng ký hiệu về hoa cúc ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn được bảo lưu.

Phần thân: Phía trên là một hàng hoa dây hình sin bao quanh, ở dưới có điểm hình chim và bướm. Dưới cùng là thể hiện nhiều người tay cầm đao và khiên, đây có lẽ là các chiến binh.

MỘT LOẠI HOA THIÊNG BIỂU HIỆN VƯƠNG QUYỀN

Nhận thấy vấn đề cần được giải mã ở đây chính là trang trí ở thân thạp, và có thể gọi đó là đồ án Hoa và chiến binh. Qua xem xét hình hoa và lá cho thấy chúng không giống với bất cứ loài hoa nào trong thiên nhiên. Vậy ý đồ của nghệ nhân xưa ở đây là gì, và tại sao hoa lại được thể hiện ở phía trên các chiến binh?

Giải mã hình tượng hoa và chiến binh trên thạp gốm thời Trần- Ảnh 2.

Cúc hóa mây ở đĩa vàng Cộng Vũ thời Lý

Ảnh: Bảo tàng Hưng Yên

Về hoa và lá: Nếu chúng ta không soi kỹ các chi tiết thì chắc chắn sẽ cho rằng cũng bình thường như hoa lá ở bao thạp khác. Cụ thể như ở các hình hoa, khi đi vào chi tiết ta sẽ thấy các cánh hoa và lá, tất cả đều được thể hiện với hình thù nhấp nhô giống như mây và hoa cúc hóa mây ở bộ đĩa vàng Cộng Vũ thời Lý (đĩa số 3) thời Lý. Còn ở trung tâm hoa được thể hiện là một nửa hình tròn đồng tâm có chấm giữa nhú lên, dấu hiệu này chính là ngôn ngữ trong nghệ thuật tạo hình, bởi đó là một cách thể hiện cũng vừa là hoa cúc nhô lên trong mây và cũng vừa là mặt trời nhú lên ở trong hoa. Vấn đề là các hoa lại được thể hiện quay lên quay xuống theo hình sin. Như hoa chính diện trong ảnh là quay lên, tương ứng với mặt trời mới mọc lên phân nửa. Hoa bên phải trong ảnh là thể hiện ngược chiều với hoa bên trái, tức là quay xuống, đồng nghĩa với mặt trời quay xuống, nghĩa là đang lặn.

Như vậy, chúng tôi cho rằng, rất có thể nghệ nhân gốm thời Trần đã quan sát thực tế khi mặt trời mọc và lặn, rồi áp dụng vào đây với ý đồ nói về ngày và đêm tức là âm và dương. Tiếp nữa còn phải kể đến ý đồ đặt hoa ở phía trên các chiến binh, rồi điểm thêm chim và bướm. Tất cả đều chỉ ra rằng hoa này là hoa thiêng ở trên trời. Ngoài ra với lối thể hiện mặt trời trong hoa ở đây chính là tiền đề cho mỹ thuật ở các thời sau, bởi thực tế trên các trán bia ở thời Lê đồ án hoa cúc đón mặt trời, mặt trời trong hoa cúc được thể hiện rất phổ biến.

Với tất cả các đặc điểm nêu trên đã nói lên một hoa thiêng mà không thể là loại hoa nào khác ngoài hoa cúc, một biểu tượng vương quyền mà nghệ nhân xưa đã biểu đạt. Còn các chiến binh cầm đao và khiên là nói về sự hùng mạnh của quân đội thời Trần.

Như vậy, với hai yếu tố vương quyền và quân đội được thể hiện ở đây cho thấy rằng: Đây là đồ án trang trí mang tư tưởng nói về sự cường thịnh của vương triều Trần thời bấy giờ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.