Giải mã lý do giá dầu bị 'đè bẹp' bất thường

08/09/2024 05:30 GMT+7

Bất chấp những căng thẳng ở khu vực Trung Đông cũng như xung đột ở Ukraine dẫn đến giá vàng tăng cao, giá dầu thời gian qua vẫn trên đà giảm xuống mà chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Lẽ ra, xung đột căng thẳng ở Trung Đông khiến cho giới đầu tư lo ngại giá vàng lẫn giá dầu thô tăng cao. Thế nhưng trong thực tế, dù giá vàng nhiều lần phá trần gần đây, thì giá dầu theo chiều hướng ngược lại. Điển hình, giá dầu WTI hiện chỉ 70 USD/thùng, giảm đến 16% so với mức giá hơn 83 USD/thùng hồi đầu tháng 7, giảm đến 25% so với mức giá khoảng 93 USD hồi giữa tháng 9.2023. Thậm chí, giá dầu giảm đã khiến giá xăng giao sau trên thị trường Mỹ hồi cuối tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ tháng 3.2021.

Giải mã lý do giá dầu bị 'đè bẹp' bất thường- Ảnh 1.

Kinh tế trì trệ khiến giá xăng tại Mỹ đã giảm mạnh

ẢNH: HOÀNG ĐÌNH

OPEC "quay xe" rồi lại "quay xe"

Thực tế đó khiến cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và một số đồng minh bao gồm Nga (gọi chung là nhóm OPEC+) ngay những ngày đầu tháng 9 đã phải thông báo đến giải pháp tăng cường xuất khẩu dầu để "trong đường chết tìm đường sống".

Nhiều năm qua, OPEC+ thường xuyên theo đuổi chính sách hạn chế trữ lượng khai thác nhằm giảm nguồn cung để thúc đẩy giá dầu. Tuy nhiên, ngay cả khi căng thẳng địa chính trị dâng cao, xung đột bùng nổ thì giá dầu cũng chỉ tăng lên trong thời gian ngắn mà không đủ sức duy trì mức giá cao trong thời gian dài. Xu thế chung gần đây vẫn là giảm giá. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, vốn hồi phục chậm sau đại dịch khiến cho nhu cầu tiêu thụ giảm sút.

Giữa bối cảnh như vậy, OPEC+ tính đến tăng sản lượng khai thác dầu nhằm đưa giá dầu xuống thấp hơn nữa giúp kích thích sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng để có thể tăng doanh thu. Bên cạnh đó, OPEC+ cũng kỳ vọng mức giá dầu giảm khiến cho giới khai thác dầu đá phiến ở Mỹ sẽ hạn chế khai thác do chi phí của hình thức khai thác này khá cao. Với kịch bản như vậy OPEC+ có thể đạt sản lượng tiêu thụ ở mức cao hơn, nhằm gia tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, đến ngày 6.9, Reuters đưa tin OPEC+ đã đảo ngược quyết định "quay xe" trước đó. Tức là OPEC+ thống nhất hoãn việc tăng sản lượng khai thác.

Tình hình chưa tươi sáng

Việc OPEC+ đảo ngược quyết định "quay xe" không hề khó hiểu. Bởi theo các phân tích, dù nhóm này có thúc đẩy hạ giá để kích thích kinh tế dẫn đến tăng nhu cầu nhằm tăng nguồn thu, thì mục tiêu cũng rất khó đạt được.

Như Reuters dẫn lời ông Bob Yawger, Giám đốc mảng năng lượng tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), đánh giá: "Nếu bạn không cần xăng, bạn không cần dầu thô để sản xuất xăng". Vấn đề chính là kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đột phá để tăng nhanh nguồn tiêu thụ xăng dầu.

Gần đây, giới quan sát phần nào lạc quan khi số liệu kinh tế Mỹ "khỏe khoắn" hơn, mở đường cho việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) của nước này có thể sớm cắt giảm lãi suất cơ bản sau một thời gian dài ở mức cao để đối phó lạm phát. Việc lãi suất cơ bản được cắt giảm có thể kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, vài số liệu khác lại không tươi sáng như vậy. Điển hình, tăng trưởng việc làm khu vực tư nhân của Mỹ hồi tháng 8 rớt xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi qua và dữ liệu của tháng trước được điều chỉnh thấp hơn. Điều này được xem là cho thấy thị trường lao động đang suy giảm mạnh. Reuters dẫn nhận định từ nhà phân tích của Ngân hàng UBS lo ngại kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ thấp hơn xu hướng và rủi ro suy thoái đang gia tăng.

Một động lực khác của kinh tế toàn cầu là Trung Quốc cũng chưa cho thấy những dấu hiệu thực sự khả quan. Tháng 7, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm xuống 9,97 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 9.2022. Ước tính, trong tháng 8, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt 11,02 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn mức 11,3 triệu thùng/ngày của tháng 6. Đồng thời, thị trường châu Âu cũng bị đánh giá vẫn tiếp tục khó khăn.

Chính vì thế, sản xuất có thể chưa đột phá để có thể thúc đẩy nguồn tiêu thụ dầu lên mức cao để có thể kéo giá dầu tăng.

Trí tuệ nhân tạo góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu ?

Hồi đầu tuần này, IMF đăng bài phân tích của GS Michael Spence, đồng chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 2021, cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) chính là động lực thúc đẩy kinh tế trong thời gian tới.

Theo ông, nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch bị bao vây bởi tốc độ tăng trưởng chậm hơn, lạm phát dai dẳng nhất trong nhiều thập kỷ, chi phí vay cao ảnh hưởng đến đầu tư... Trong đó, ông cho rằng khó khăn lớn nhất chính là tốc độ tăng trưởng năng suất chậm chạp. Giữa bối cảnh như vậy, GS Spence cho rằng AI là cơ hội tốt nhất để giảm bớt những hạn chế về nguồn cung - vốn là nguyên nhân làm chậm tốc độ tăng trưởng. "AI có tiềm năng không chỉ giúp đảo ngược xu hướng giảm năng suất mà còn có khả năng tạo ra sự gia tăng năng suất bền vững theo thời gian", ông đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.