Ngày 24.5, chúng tôi đem cây “bút bi thần kỳ” đến gặp GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn (Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ Sắc ký Hải Đăng, TP.HCM) nhờ "giải mã" một số “bí ẩn” liên quan đến cây “bút bi thần kỳ”.
Thuốc nhuộm hoàn nguyên
Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, mực bút có thể được làm bằng một loại hóa chất có tính “biến dạng” khi tương tác với nhiệt. Tuy nhiên, GS Sơn cho biết cần nghiên cứu, phân tích cụ thể mới có thể định danh được loại hóa chất tạo ra mực của bút.
Để “giải mã” khả năng “biến dạng” của mực, GS Sơn đã thử nghiệm bằng cách viết ra giấy một số chữ rồi xóa sạch, đem tờ giấy đặt vào ngăn đá, sau đó nét mực dần dần hiện ra. Làm lại cùng thao tác nhiều lần mực càng nhạt dần và mất hết dấu vết.
Chúng tôi tiếp tục “gõ cửa” PGS-TS Phạm Thành Quân, giảng viên, chuyên gia kỹ thuật hóa học Trường đại học Bách khoa TP.HCM.
|
PGS-TS Phạm Thành Quân nhận định, loại bút xóa mực chỉ là một thủ thuật hóa học (phản ứng thay đổi khi gặp nhiệt). Mực bút được làm bằng thuốc nhuộm hoàn nguyên (có gốc axít), viết xong có hiện diện màu nhưng tùy theo nhiệt độ, mực bị oxy hóa, bay mất. Khi gặp nhiệt độ thích hợp, mực lại phục hồi.
Theo PGS-TS Phạm Thành Quân, người bình thường khó phân biệt được bút bi thường với loại bút bi xóa mực nên nếu cơ quan chức năng không quản lý tốt thì nhiều người có thể gặp “rắc rối lớn” do hiện tại, loại bút này nhiều người có thể mua được.
“Dù ban đầu xác định được mực bút được tạo ra bằng một loại phẩm màu hoàn nguyên, nhưng rất khó biết chính xác là phẩm màu gì bởi phẩm màu tạo ra mực của loại bút này là bí quyết của các công ty sản xuất ra bút”, PGS-TS Quân nói.
Ông Quân cho rằng phẩm màu cũng là một một loại hóa chất do vậy loại mực này không tốt cho sức khỏe con người.
Có thể xử lý hình sự
Những người tiến hành tố tụng cũng bày tỏ lo lắng về loại “bút bi thần kỳ” và cho biết nếu không quản lý chặt, loại bút này sẽ gây ra nhiều phiền toái và bị kẻ xấu lợi dụng.
“Tôi có đọc trên Thanh Niên Online về “cây bút thần kỳ”. Tuy nhiên, trong thực tế tố tụng, chưa từng có vụ án nào bị truy tố liên quan đến cây bút này”, một công tố viên của Viện KSND TP.HCM nói.
Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM cũng cho biết trên thế giới đã có những trường hợp chiếm đoạt tài sản liên quan đến cây bút này. Cụ thể, khi thanh toán bằng séc, kẻ lừa đảo đưa bút này ra cho nạn nhân sử dụng, sau đó về xóa số tiền ít ghi số tiền nhiều. “Tuy nhiên, riêng ở TP.HCM chưa thấy vụ án nào bị truy tố, xét xử. Có thể chưa có nạn nhân nào bị chiếm đoạt tài sản”, vị thẩm phán này cho biết thêm.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), cách đây không lâu, một nữ thân chủ tìm gặp ông nhờ tư vấn cho trường hợp liên quan đến “cây bút ma”, viết rồi có thể tẩy xóa được.
“Tôi có tư vấn cho cô ấy phải làm đơn tố cáo vụ việc để cơ quan điều tra vào cuộc. Vụ việc có liên quan đến một quyết định xử phạt hành chính”, luật sư Công nói.
Cũng theo luật sư Công, nếu có việc sử dụng “cây bút ma”, “bút phù thủy”, hay “bút thần kỳ” thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự được.
Đồng quan điểm này, một thẩm phán của TAND TP.HCM cho rằng: “Nếu tội phạm sử dụng “bút thần kỳ” để lừa đảo thì có thể xử lý hình sự về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (Điều 226b Bộ luật Hình sự). Trong trường hợp này là sử dụng thiết bị số để chiếm đoạt tài sản.
Vị thẩm phán này cũng cho biết, do diễn biến ngày càng phức tạp của loại tội phạm công nghệ cao, liên bộ gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 10/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định về xử lý các loại tội phạm. Theo đó, loại tội phạm này có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù với mức án cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Cần quản lý chặt chẽ Sau bài viết “Bí ẩn “bút bi thần kỳ” ghi xong xóa ngay bút tích, các luật sư, luật gia tại TP.HCM đã gửi đến Thanh Niên Online những ý kiến bày tỏ sự lo lắng về mối nguy hại của cây bút này. Luật gia Bùi Đắc Thắng, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp - Bộ Tư pháp, tại TP.HCM bày tỏ: “Liên quan tới trường hợp cây “bút thần kỳ”, theo tôi loại bút này có hình dáng giống hệt các loại bút bi bình thường, nhưng nó có thể ghi, sửa, xóa ngay trên các loại giấy tờ quan trọng như hợp đồng, văn bằng, chứng chỉ, giấy ghi nợ… mà không để lại dấu vết. Chính vì vậy, trong các giao dịch dân sự, thương mại, kinh tế chúng ta cần phải có sự đề phòng cẩn thận. Bởi một bên hoặc các bên có thể lợi dụng đặc tính của bút để ký hợp đồng với nội dung này nhưng sau khi ký xong hoặc công chứng xong họ có thể sửa lại hợp đồng, văn bản đó theo hướng có lợi cho mình, đặc biệt là về mặt con số”. Luật gia Bùi Đắc Thắng cho rằng, khi giao dịch, chỉ cần bớt một số “0” trong giá trị của hợp đồng cũng có thể làm cho phía bên kia lao đao, hoặc họ có thể chỉnh sửa về mặt số lượng, chất lượng hàng hóa… Nguy hiểm hơn là đối với các hợp đồng vay, mượn tài sản thì trước mặt người cho vay, công chứng viên họ đặt bút ký nhưng sau đó họ có thể xóa chữ ký đó trong hợp đồng và coi như chưa xác lập, giao kết hợp đồng đó. Một khi cây “bút bi thần kỳ” này rơi vào tay kẻ xấu thì hậu quả khó mà lường trước được… Do đó, luật gia Thắng đề xuất Chính phủ cần sớm có quy định bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, đưa mặt hàng “bút bi thần kỳ” này vào danh mục các mặc hàng cấm kinh doanh, lưu hành, buôn bán. Từ chỗ có cơ sở pháp lý, các cơ quan, ban ngành đặc biệt là các cơ quan Công an, Hải quan mới có cơ sở để thực hiện và quản lý việc lưu hành, sử dụng loại bút bi thần kỳ này nhằm bảo đảm hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại được diễn ra bình thường, tránh trường hợp người dân bị lừa đảo. Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng loại “bút thần kỳ” này cần cấm; không được sử dụng để ghi chép nội dung liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của những người giao kết với nhau. Người nào sử dụng loại “bút thần kỳ” nhằm mục đích gây thiệt hại cho người khác (như xóa nội dung mượn tiền của người khác rồi ghi lại nội dung cho người khác mượn tiền) là trái pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có quy định cấm lưu thông loại “bút thần kỳ”. Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức vẫn lưu thông, lưu hành, sử dụng loại “bút thần kỳ” có thể bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Luật sư Trần Công Ly Tao đặc biệt nhấn mạnh, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra từ việc lưu hành “cây bút thần”, các cơ quan quản lý nhà nước như Cảnh sát Kinh tế, Quản lý thị trường... cần quản lý chặt chẽ mặt hàng này. An Bang (ghi) |
An Bang - Lê Nga
>> Video clip: Sốc với “bút thần kỳ”
>> Bí ẩn “bút bi thần kỳ” ghi xong xóa ngay bút tích
Bình luận (0)