“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

22/04/2008 23:39 GMT+7

Kỳ 13: Phạm Xuân Ẩn dưới mắt một cựu phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ "Ẩn là một nhân tài. Ảnh chọn chính nghĩa đi theo và lúc nào cũng trọng nhân cách. Ảnh không bao giờ làm hại ai và luôn làm người ta cảm thấy yên lòng" - (lời tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo).

Trước khi tiếp tục đề cập đến các điệp vụ của Phạm Xuân Ẩn, xin trở lại câu chuyện về nhân cách của ông. Trong loạt bài trước đây, lần đầu tiên Báo Thanh Niên gọi Phạm Xuân Ẩn là nhà tình báo vĩ đại. Sự vĩ đại đó bao hàm tài năng và nhân cách.

Trả lời những người bạn Mỹ, ông Ẩn nói ông không bao giờ ân hận về những gì ông đã làm. Sở dĩ ông Ẩn phải khẳng định như vậy vì sách báo nước ngoài có những đánh giá khác nhau về cuộc đời ông, họ chưa hiểu hết chân lý giản dị của người dân ở một đất nước bị ngoại bang xâm lược. Phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc thì dĩ nhiên không có gì phải ân hận, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng đã làm và sẽ làm khi có ngoại xâm. Mỗi người làm theo mỗi cách, tùy theo điều kiện, tùy theo hoàn cảnh.

Trong dịp về xã Điện Tiến (Điện Bàn, Quảng Nam) để viết bài về anh hùng Mười Khôi, tôi đã nghe nhiều câu chuyện về hành động yêu nước của những người dân bình thường nhất, trong đó có câu chuyện huyền thoại về một người phụ nữ. Đó là chuyện của bà Đặng Thị Dũng. Đầu năm 1971, lúc đó nhiều chiến sĩ đặc công đang ở trong nhà bà. Bất ngờ một toán lính Mỹ xuất hiện. Chúng xả súng bắn chết chồng bà và cô con gái lớn 13 tuổi ngay tại chỗ. Bà Dũng lúc này đang mang thai, nhưng vẫn xông lên ôm chặt khẩu trung liên mà tên lính Mỹ đang bắn, bà dùng hết sức bình sinh đẩy nòng súng chĩa lên trời để các chiến sĩ giải phóng nhân đó mà chạy thoát. Chúng bắn bà bị thương vỡ một mảng đầu. Chúng bắt bà, tra tấn dã man, rồi thả bà ra. Bà vẫn sinh con, 5 mẹ con tiếp tục về quê trụ bám. Bà Dũng giờ đây đã ngoài 80 tuổi, trên đầu bà vết sẹo vẫn còn lõm sâu... Bà Dũng đã "chống Mỹ, cứu nước" như vậy đó.

Bà Đặng Thị Dũng

Kết thúc chiến tranh, mặc dù chồng con bị giặc giết, mặc dù bản thân bị thương tật vì súng đạn giặc, vì những đòn tra tấn của giặc, nhưng bà Dũng và những người như bà Dũng không còn thù oán ai, miễn là được hồn nhiên lam lũ trên đồng ruộng là tốt rồi. Tất nhiên Phạm Xuân Ẩn không biết bà Dũng, nhưng ông biết rõ mình đang chiến đấu trong thế trận chiến tranh nhân dân với rất nhiều những người dân hiền lành và quật cường như bà Dũng. Ông Ẩn không muốn ai đề cao mình, một mặt do bản tính ông khiêm tốn, mặt khác ông ý thức được đằng sau ông còn có rất nhiều người như bà Dũng và gần ông hơn là hàng chục chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh để bảo vệ sự an toàn của cụm tình báo mà ông là trung tâm.

"Không ân hận", điều đó còn hàm chứa một ý nghĩa khác. Do đặc điểm nghề nghiệp và công việc của ông, ông có nhiều bạn bè ở "phía bên kia", gồm cả người Mỹ và các tướng tá, chính khách chế độ Sài Gòn. Theo chúng tôi, ông Ẩn biết rõ rằng nếu tất cả những bí ẩn của cuộc đời ông đều được công khai hết thì cũng không có bất cứ điều gì khiến ông phải xấu hổ trong quan hệ với bạn bè. Vì ông là nhà phân tích quân sự - chính trị sắc sảo, lại có quan hệ sâu rộng, nên họ cần tham khảo ý kiến, tranh thủ chất xám của ông. Họ giao tài liệu cho ông là vì mục đích của họ. Ông giúp họ những gì ông có thể, miễn là sự giúp đỡ đó không có hại cho cách mạng. Ông thu thập những tài liệu đó gửi về Tổng hành dinh kháng chiến để có đối sách thích hợp nhằm bẻ gãy ý đồ xâm lược, làm thất bại các kế hoạch chiến tranh. Không có ai "phía bên kia" bán tài liệu cho ông, ông cũng không "lấy cắp", không lợi dụng để làm hại bạn bè. Sau này biết việc ông làm, những bạn bè của ông "phía bên kia", những người hiểu được những sai lầm của người Mỹ khi gây ra cuộc chiến phi nghĩa chống Việt Nam, không ai phiền trách gì ông. Họ đều nể phục ông Ẩn.

Người ta thường gọi nghề báo là một "vỏ bọc" của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, người ta cũng gọi ông có cuộc đời "hai mặt". Nhưng sự thật thì ông đã làm báo một cách chuyên nghiệp, làm báo một cách chính trực. Nếu nói "hai mặt" thì mặt nào trong cuộc đời ông cũng chính trực cả. Sự chính trực đó làm nên tầm vóc của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn và tầm vóc của ký giả Phạm Xuân Ẩn.

Thẻ hoạt động báo chí của Tổng cục Chiến tranh chính trị quân đội Sài Gòn cấp cho Phạm Xuân Ẩn

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, cựu Phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ, là một trong những người bạn thân của Phạm Xuân Ẩn. Ngày 30.4.1975 ông Hảo quyết định không ra đi, mặc dù ông là một quan chức cấp rất cao của chế độ cũ và không có một mối liên hệ nào với cách mạng. Ông sẵn sàng chờ đợi điều xấu nhất xảy ra với ông, nhưng không có điều xấu nào xảy ra cả...

Nói chuyện với chúng tôi về Phạm Xuân Ẩn, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết: "Tôi quen anh Ẩn khi tôi làm Phó thủ tướng chế độ cũ. Sau 30.4.1975, tôi và ảnh gặp nhau thường xuyên với tư cách bạn bè, hầu như tuần nào cũng gặp, mãi cho tới lúc tôi rời khỏi Việt Nam năm 1982...".

Ông Hảo đã dành những lời thật tốt đẹp để nói về Phạm Xuân Ẩn: "Chúng tôi quen nhau bắt đầu từ một cuộc phỏng vấn. Hồi đó ảnh là ký giả Báo TIME, gặp tôi để phỏng vấn về kinh tế. Gặp con người này, tôi vừa tò mò vừa thích thú: Sao Việt Nam có thể có một người đủ trình độ và uy tín làm phóng viên một tờ báo tầm cỡ của Mỹ, lại được người Mỹ nể trọng như vậy! Trong câu chuyện trao đổi, anh Ẩn cởi mở, thoải mái, thỉnh thoảng lại chen một chuyện trào phúng, rất dễ thông đạt. Tôi cảm nhận được con người ảnh ngay thật, không có thủ đoạn, không có hậu ý gì. Sau đó ảnh viết một bài trên Báo TIME, tuần đó có chuyên đề về Việt Nam. Hồi đó khi tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn, không có ai nghi ngờ ảnh là tình báo cho bên kia hết. Ảnh có nghệ thuật ẩn giấu vai trò bí mật của mình một cách tuyệt vời. Ảnh chân thành, thân thiện thực sự, không hề giả dối" .

Về quan hệ với Phạm Xuân Ẩn sau giải phóng, ông Hảo kể: "Sau 1975, tôi với anh Ẩn thân thiết lắm. Chúng tôi rất hợp tánh nhau, mở hết lòng ra chơi với nhau, không có giới hạn. Cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1982 tôi vẫn không biết anh Ẩn là tình báo. Ra nước ngoài rồi tôi mới nghe nói. Lúc đó tôi mới hỡi ôi... Tôi tự hỏi, anh ta làm tình báo, có phải là từ 1975 đến lúc đó anh ta đã nhận nhiệm vụ theo dõi tôi hay không. Tôi ấm ức đến mức độ 10 năm sau khi trở về Việt Nam, tôi mời ảnh đi ăn cơm để hỏi cho ra lẽ. Anh Ẩn nói: Moa có thể lấy danh dự nói với toa là không bao giờ moa làm chuyện đó. Bạn là bạn, không thể nào moa làm chuyện đó được. Nghe Ẩn nói, tôi tin ngay. Sau này tôi cũng biết chắc chắn là không có chuyện đó".

"Ẩn là một nhân tài. Ảnh chọn chính nghĩa đi theo và lúc nào cũng trọng nhân cách. Ảnh không bao giờ làm hại ai và luôn làm người ta cảm thấy yên lòng", tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo nhận xét...

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.